Phòng chống tham nhũng:
Phát hiện, xử lý chưa tương xứng với thực trạng
Đây là nhận định của Thanh tra tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2013. Đáng chú ý, tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phát hiện nhiều, thu hồi ít
Trong năm, toàn ngành thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra hành chính 76 cuộc tại 142 cơ quan, tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, đảm bảo an sinh xã hội và theo đơn thư tố cáo. Qua đó, đã phát hiện sai phạm về kinh tế trên 23 tỉ đồng và 3.699 m2 đất, nhưng ngành chức năng chỉ kiến nghị thu hồi trên 8,34 tỉ đồng và 39 m2 đất, còn lại xử lý bằng các hình thức khác (ghi thu, ghi chi, giảm trừ quyết toán...). Đã có 10 tập thể, 41 cá nhân bị kiến nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, các ngành, các cấp cũng tiếp nhận 283 vụ tố cáo (tăng 64,5% so với năm 2012), trong đó, về lĩnh vực hành chính nhà nước: 99 vụ (gần 35%), tư pháp: 34 vụ (12%), có hành vi tham nhũng: 16 vụ (5,65%), các lĩnh vực khác: 234 vụ. Đến nay, 16 vụ liên quan đến hành vi tham nhũng đã được cơ quan thẩm quyền giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, theo nhận định chung, công tác PCTN vẫn còn hạn chế, chưa đi vào thực chất. Kết quả thanh tra trách nhiệm về PCTN gắn với khiếu nại, tố cáo theo pháp luật tại 59 cơ quan, đơn vị thời gian qua cũng cho thấy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thường xuyên, đồng bộ và thiếu trọng tâm. Không những vậy, công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn không ít hạn chế, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm. Vì vậy, số vụ việc, người có hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với thực trạng và mong đợi của nhân dân. Hiện nay, việc xử lý thu hồi tiền, tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng còn nhiều khó khăn và đạt tỉ lệ thấp. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân không đạt yêu cầu đề ra. Cả năm, chưa phát hiện hành vi tham nhũng nào qua hoạt động tự kiểm tra, giám sát.
Tham nhũng nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng
Tham nhũng 5,8 triệu đồng, 2 nhân viên bị xử 12 tháng tù treo
Năm 2013, 3 vụ/6 bị can tham nhũng trong năm 2012 đã bị đưa ra truy tố xét xử. Đó là vụ 3 nhân viên Ngân hàng NN-PTNT Quy Nhơn tham ô và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền 774 triệu đồng, bị xử từ 12 tháng đến 3 năm tù giam. Và 2 vụ tham ô tài sản trên địa bàn huyện Phù Cát, gồm: Vụ Hạt phó Hạt giao thông công chính huyện tham ô 17,4 triệu đồng, bị xử 12 tháng tù treo; 2 nhân viên Dương Quang Đấu và Bùi Văn An nâng khống giá trị hợp đồng sửa chữa Trạm bơm Cây Sơn của HTXNN 1 xã Cát Tân chiếm đoạt 5,8 triệu đồng, bị xử tổng cộng 12 tháng tù treo.
Trong năm, CA đã khởi tố 2 vụ/3 bị can tham nhũng (giảm 3 bị can so với năm 2012) nhưng tính chất và mức độ thì nghiêm trọng hơn nhiều, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cả hai vụ đều thuộc về lĩnh vực hoạt động tín dụng ngân hàng. Đó là vụ thủ kho tiền Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Phú Tài là Hồ Thị Thu Hương, lợi dụng sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các cán bộ quản lý, từ năm 2011 đến năm 2012 đã lập khống chứng từ, nhiều lần trực tiếp vào kho lấy tiền đưa ra ngoài, chiếm đoạt trên 31 tỉ đồng. Thứ hai là vụ Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) Nguyễn Quốc Thịnh lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn đứng tên cá nhân gửi tiền tiết kiệm của Quỹ tín dụng, rồi sau đó đem thế chấp cho các ngân hàng lấy tiền chi dùng cho cá nhân, gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng trên 5,2 tỉ đồng. Đến nay, hai vụ án này vẫn còn trong giai đoạn điều tra.
Vào cuối tháng 11.2013, khi làm việc với Thanh tra tỉnh về tình hình PCTN năm 2013, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đặt vấn đề: Tham nhũng trong ngành tài chính, ngân hàng hiện nay rất phức tạp, nhưng vì sao công tác kiểm tra, giám sát nội bộ lại không phát hiện ra, nhất là hành vi tham nhũng diễn ra trong một thời gian dài, và quy trình xuất - nhập kho tiền của ngân hàng không hề đơn giản. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, có bao nhiêu người liên quan đến vụ án này và trách nhiệm của các cán bộ quản lý để xảy ra vụ việc ra sao và sẽ được xử lý đến đâu?
Theo dự báo, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, đất đai, quản lý tài chính, ngân sách. Số vụ việc, đối tượng tham nhũng có khả năng không tăng nhưng tính chất và mức độ vi phạm có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng.
THU HÀ