Chuyện của thợ làm nhà lá mái
Nghe tin ở phường Đập Đá (TX An Nhơn), có người đang phục chế một ngôi nhà lá mái, tôi bèn tìm đến tận nơi để được nhìn thấy tận mắt. Trái với sự “rào trước đón sau” để làm quen của tôi, ngay tại nơi thi công, ông Hồ Công Phúc, một thợ làm nhà lá mái ở KV Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn vui vẻ tiếp chuyện.
“Năm 20 tuổi, tôi theo cha học nghề. Cha tôi ngược xuôi khắp nơi trong tỉnh, phục dựng nhiều ngôi nhà lá mái ở Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ… Tôi nhanh chóng say mê vẻ đẹp cổ kính mà chất phác của nó và cả những kỹ thuật làm nhà tinh tế. 4 năm sau, tôi nắm bắt thuần thục tất cả các kỹ thuật làm nhà lá mái. Nhưng cha tôi bảo, từng đó chỉ mới đủ làm ra một cái nhà gọi là nhà lá mái. Muốn đó thật sự là nhà lá mái với đầy đủ hồn vía của nó, phải toàn tâm toàn ý với công việc, phải xem đó là một tác phẩm nghệ thuật thì mới thành nghề. Tôi gắn bó với nghề đến nay ngót nghét 40 năm, càng chiêm nghiệm càng thấy cha không hề nói quá” - ông Phúc chậm rãi tâm sự.
Ông Hồ Công Phúc đang phục dựng lại một ngôi nhà lá mái tại phường Đập Đá (TX An Nhơn).
Nhà lá mái phần lớn làm bằng gỗ, thoạt nhìn người không biết sẽ nghĩ hễ là thợ mộc thì làm được, lắp được. Nhưng thật ra không phải vậy và bởi vậy thợ làm nhà lá mái mới là một ngành riêng biệt. Thợ làm nhà lá mái là người hiểu và nắm bắt cặn kẽ không chỉ ở các chi tiết cột, kèo, xiên, trính… mà còn nắm chắc các cấu trúc chịu lực, kết nối, thăng bằng, trang trí... và làm sao để tất cả hài hòa với nhau trong một chỉnh thể. “Ai cũng biết cái hay của nhà lá mái là người thợ không hề sử dụng một cái đinh nào. Nghe thì đơn giản vậy nhưng để liên kết các chi tiết, độ chính xác của các mộng, ngàm rất cao. Việc tháo, lắp phải làm rất nghiêm cẩn, không được sai sót. Lắp được dễ dàng mà tháo ra cũng phải nhẹ nhàng, phải vậy thì mới là thợ lành nghề” - ông Phúc chia sẻ.
Chỉ tay về những cây cột, trính đang được sửa chữa, phục chế lại, ông Phúc phân tích: “Trước khi tháo một ngôi nhà lá mái ở nơi này để chuyển về phục dựng lại tại nơi khác, người thợ phải thuộc lòng các chi tiết mà người dựng nhà đã làm. Ví như cây cột nhất Tây thì phải ứng với cây cột nhì Tây, còn ở giữa thì cột nhất Tây sẽ ứng với cột nhất Đông và ra một cây cò điếu liên kết với cây trụ nhì Đông. Không thuộc thì không biết bộ phận nào ở chỗ nào, hoặc đã bị thất lạc chi tiết nào”.
Nghề làm nhà lá mái cần tính nghiêm cẩn cao, hơn nữa số người có đủ tiềm lực để làm nhà không nhiều nên dần dần số lượng thợ làm nhà lá mái ít dần. Ông Phúc nhẩm tính: “Trước tôi cũng có học trò theo nghề, có cháu cũng đã nắm bắt được kỹ thuật cơ bản rồi, nhưng rồi đã bỏ để làm nghề khác vì hiếm việc quá. Rất tiếc. Thợ làm nhà lá mái lớp đàn anh tôi giờ coi như đã đi hết rồi. Cỡ như tôi đây cũng thuộc hàng cao niên. Ngoài mấy nhóm ở An Nhơn còn có một số nữa ở Phù Mỹ, Phù Cát. Cả tỉnh trọi trơn chỉ còn khoảng 20 thợ làm nhà lá mái thôi! Tôi luôn trăn trở trong việc tìm người truyền nghề để giữ nghề, giữ nét đẹp văn hóa của cha ông xưa, nhưng đến giờ tôi vẫn còn chờ!”, ông Phúc bộc bạch.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nội dung CON MUỐN HỌC NGHỀ LÀM NHÀ MÁI LÁ.