Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho địa phương.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chú trọng trong định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ đưa tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất, từng bước chạy đà để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nâng cao giá trị, có sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Đào Vũ Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN) cho biết, việc triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2016 - 2020 đã phát huy nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Sản phẩm rau an toàn VietGAP của nông dân Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đủ tiêu chuẩn vào Big C Quy Nhơn.
Từ năm 2016 - 2020, UBND tỉnh phê duyệt 73 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KHCN, riêng lĩnh vực nông nghiệp có 18 dự án. Các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã tuyển chọn được giống cây trồng, vật nuôi triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Cụ thể, trong chăn nuôi có ứng dụng phát triển và lai tạo giống bò thịt chất lượng cao; áp dụng các kỹ thuật sinh hóa Elisa, PCR, PRR trong xét nghiệm kháng thể vi rút cúm gia cầm sau tiêm phòng, xét nghiệm bệnh đốm trắng trên tôm; ứng dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc tạo môi trường cân bằng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Đối với trồng trọt, đã ứng dụng KHCN vào các mô hình chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất cây trồng được triển khai trên diện rộng; mô hình sản xuất lúa, lúa giống ứng dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến SRI và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); áp dụng kỹ thuật canh tác rau an toàn VietGAP, bưởi an toàn VietGAP, dừa hữu cơ… Cùng với đó, Sở KH&CN tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương xây dựng, duy trì và phát triển các sản phẩm đặc trưng theo hướng chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT), áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất góp phần giúp người nông dân chuyển đổi phương thức canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Anh Trần Bảo Diệp, chủ nhà vườn La’sfarm (huyện Hoài Ân), chia sẻ: “Để cạnh tranh và tìm chỗ đứng trong thị trường, La’sfarm phát triển nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà màng và tưới nhỏ giọt. Quá trình sản xuất đến thu hoạch tuân thủ quy trình, hoàn thiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm”.
Một số sản phẩm nông sản an toàn của nhà vườn La’sfarm (huyện Hoài Ân) sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để đưa vào siêu thị bán lẻ.
Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Việc áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất đã góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hoài Nhơn ngày càng phát triển. Năm 2020, mô hình sản xuất nếp ngự Hoài Sơn gắn với tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng với Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) thực hiện bước đầu ghi nhận kết quả tích cực. Với mô hình này, bà con nông dân áp dụng được tiến bộ KHCN trong sản xuất, đưa vùng nếp ngự Hoài Sơn khôi phục và phát triển, tạo nguyên liệu ổn định cho các sản phẩm đặc trưng địa phương như bánh cốm nếp ngự, bánh in…
Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 ngày 10.4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành Nông nghiệp, ngành KHCN và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, khai thác tốt thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu nông sản chất lượng cao.
Trong tháng 3.2020, UBND tỉnh đã giao Sở KH&CN tiếp tục lấy ý kiến lần 2 đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Đề án nhằm hỗ trợ các DN xây dựng các mô hình và áp dụng, thực hiện chứng nhận truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa có thể cạnh tranh với thị trường trong nước vừa hướng tới xuất khẩu.
Đánh giá về việc ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ghi nhận những kết quả tích cực, đồng thời yêu cầu ngành KHCN tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, đưa tiến bộ KHCN vào nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
THU DỊU - HỒNG HÀ