Hiện đại hóa nền hành chính công nhìn từ An Lão
Là huyện miền núi còn khó đủ bề, nhưng An Lão lại nổi lên là địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính công.
Từ ngày 1.1 đến 29.2.2020, lượng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) giải quyết trễ hạn của các địa phương (cấp huyện và xã) trong toàn tỉnh trên phần mềm VNPT-iGATE còn tồn đọng là 3.988/24.390 hồ sơ, chiếm tỷ lệ bình quân 16%; có huyện lên đến 54%. Trong 11 huyện, thị xã, thành phố, An Lão có tỷ lệ trễ hạn thấp nhất - chỉ 3%.
Đầu tư đúng mức
Căn cứ Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 9.9.2019 của UBND tỉnh về triển khai phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã, Văn phòng HĐND&UBND huyện An Lão đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ, phối hợp cấu hình tài khoản, cấu hình TTHC, tổ chức tập huấn và hướng dẫn vận hành. Kết quả, UBND huyện bắt đầu vận hành hệ thống đối với cấp huyện và 100% số xã vào ngày 28.10.2019, vượt tiến độ so với kế hoạch, được tỉnh đánh giá cao.
Hướng dẫn người dân thực hiện TTHC tại bộ phận Một cửa huyện An Lão.
Hiện nay, 10/10 xã, thị trấn đã bố trí phòng làm việc riêng cho bộ phận một cửa, trang bị cơ bản một số cơ sở vật chất thiết yếu để phục vụ công việc như: Quầy giao dịch đầy đủ các lĩnh vực theo quy định, máy vi tính (1 máy/quầy), máy in, khu vực ngồi chờ, máy nước uống nóng lạnh phục vụ dân… Trong đó, xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão được đầu tư hiện đại.
UBND huyện cũng đã hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và 10 xã, thị trấn mỗi đơn vị 1 máy scan để phục vụ công việc, nhất là việc giao nhận văn bản điện tử và thực hiện phần mềm một cửa điện tử.
Nhờ được đầu tư theo hướng hiện đại, bộ phận Một cửa của huyện An Lão đã đảm bảo tiếp nhận và trả kết quả đối với 301 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và các phòng ban, trong đó có 18 TTHC mức độ 3 và 3 thủ tục mức độ 4. Bộ phận Một cửa cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban và UBND cấp xã giải quyết tốt các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn. Trong năm 2019, bộ phận Một cửa của huyện tiếp nhận 4.804 hồ sơ, đã giải quyết 4.457 hồ sơ; hồ sơ trễ hẹn chỉ chiếm 0,8% hồ sơ đã giải quyết.
Nhiều lần đến bộ phận Một cửa của huyện để chứng thực các loại giấy tờ, chị Lê Thị Hồng Thủy (ở thôn 7, thị trấn An Lão) tỏ ra hài lòng: “Thường tôi đứng chờ luôn, chỉ khoảng 10 - 15 phút là xong việc thôi”.
Kết hợp hướng dẫn và kiểm tra
Triển khai phần mềm một cửa điện tử ở cấp huyện không phải quá khó, cái khó thật sự nằm ở các xã, nhất là vùng xa xôi, thiết bị thiếu thốn, trình độ nhân lực còn hạn chế. “Thành lập thì dễ, nhưng duy trì được mới gian nan. Lúc đầu, các xã ở xa như An Nghĩa, An Toàn đều kêu khó, nhưng chúng tôi quyết tâm, chỉ cần có mạng internet là sẽ làm được hết”, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện, kiêm Trưởng bộ phận Một cửa, ông Đặng Trung Du, khẳng định.
Từ ngày 1.11.2019, UBND huyện An Lão bắt đầu thực hiện ký số online tích hợp trên sim điện thoại di động với 100% văn bản của UBND huyện và các phòng, ban (trừ các văn bản mật). Cũng từ thời điểm đó, UBND huyện không nhận văn bản giấy từ các phòng ban, đơn vị, địa phương. Từ khi thực hiện ký số trên văn bản điện tử và gửi nhận văn bản điện tử trên phần mềm văn phòng điện tử trong năm 2019, ngoài đảm bảo tính kịp thời còn giảm kinh phí văn phòng phẩm, cước phí bưu điện - ước tính khoảng 80 triệu đồng.
Trước khi triển khai, bên cạnh đầu tư máy móc, huyện tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ xã. Một tuần sau khi chính thức “vào guồng”, tổ công tác của huyện xuống từng xã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thêm. Chỉ cần phát hiện hồ sơ tiếp nhận mà không đưa lên phần mềm là truy trách nhiệm, kiểm điểm ngay.
“Chúng tôi lập nhóm zalo riêng để anh em hỗ trợ nhau, khắc phục ngay những vướng mắc. Những nơi ban đầu than khó, ngại thay đổi, sau này vận hành trơn tru mới cảm ơn rối rít vì huyện đã tạo điều kiện giúp đỡ hết mức”, ông Du chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Dự, chuyên viên kiểm soát TTHC tại bộ phận Một cửa của huyện An Lão, cho hay, nhiều cán bộ xã rất siêng, có gì chưa rõ là tranh thủ chạy xuống để được hướng dẫn trực tiếp trên máy. “Khi nhận hồ sơ ở xã, thấy có gì còn vướng là họ chụp ảnh, gửi qua zalo để chúng tôi xem trước. Khi nào hồ sơ hoàn chỉnh mới chính thức tiếp nhận, đỡ phần đi lại tốn kém cho công dân”, chị Dự kể.
Theo Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam, sự quyết tâm, kiên trì của lãnh đạo huyện chính là động lực quan trọng để mang lại hiệu quả trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính. Huyện sẽ tiếp tục vận hành và quản lý tốt phần mềm một cửa điện tử từ huyện đến xã, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc.
MAI LÂM