Xã Tây An: Nông dân phát triển kinh tế nhờ vốn vay ưu đãi
Ông Đào Duy Thãi, Chủ tịch UBND xã Tây An (huyện Tây Sơn) cho biết, những năm qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan tới tín dụng chính sách trên địa bàn. Các hội, đoàn thể, ban quản lý các thôn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trong thôn nắm bắt các chủ trương về tín dụng chính sách. Việc xây dựng kế hoạch nguồn vốn và phân bổ, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chương trình tín dụng chính sách được UBND xã thực hiện kịp thời, công khai, phù hợp với nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.
Một hộ dân ở xã Tây An đầu tư trồng tiêu hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn.
Rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tây An được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế. Tính đến đầu năm 2020, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH huyện thông qua các hội, đoàn thể cho 474 hộ dân ở xã Tây An vay là trên 18,4 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp nhiều gia đình ở địa phương có thêm điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Điển hình như gia đình ông Huỳnh Văn Trực ở thôn Đồng Quy. Thấy cây trồng cạn trên đất vườn mang lại hiệu quả kinh tế không cao nên ông Trực chuyển sang trồng cây tiêu. Sau khi đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, đầu năm 2015, gia đình ông quyết định vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư trồng hơn 1.000 gốc tiêu trên diện tích gần 2 ha. Mấy năm gần đây, năng suất tiêu đạt bình quân 5 kg/gốc, đem lại nguồn thu cả trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông cũng đang xây dựng mô hình trồng tiêu sinh thái, hạn chế và tiến tới không dùng phân và thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc. Đây là một trong những mô hình điểm của xã Tây An.
Hộ ông Bùi Thúc Thuận ở thôn Đồng Quy cũng vay vốn làm ăn hiệu quả. Trước đây, gia đình ông làm nghề sản xuất gạch ngói, sau khi có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, năm 2015, gia đình vay thêm tiền của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng và một số cây ăn trái khác. Sau 2 năm, kinh tế gia đình của ông Thuận đã có sự chuyển biến hơn trước. Gia đình ông dành dụm trả xong 30 triệu đã vay trước đó, rồi tiếp tục vay 50 triệu đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo, trồng cây keo lai, cây ăn trái. Trong năm qua, vườn ổi đã bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình ông đang tập trung chăm sóc vỗ béo 8 con bò, trồng hơn 12 ha rừng keo lai và các loại cây trồng ngắn ngày khác, thu nhập hằng năm trên 50 triệu đồng.
NGỌC HÀ