Chuyển đổi số trong doanh nghiệp của tỉnh: Nhìn từ việc áp dụng hóa đơn điện tử
Từ năm 2018 đến nay, nhiều DN, tổ chức, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chuyển đổi dần sang hóa đơn điện tử. Ðây là bước khởi động quan trọng để tiến đến hội nhập vào cuộc chuyển đổi số.
Chị Trương Thị Yến Phương, nhân viên Phòng Kinh doanh PC Bình Định thao tác phát hành HĐĐT cho khách hàng.
Theo ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh), việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2016. Ở giai đoạn khởi đầu từ năm 2016 - 2017, toàn tỉnh có 11 đơn vị là DN có hạ tầng công nghệ thông tin đủ điều kiện triển khai áp dụng, sử dụng hóa đơn với quy mô lớn - bình quân khoảng 200 nghìn hóa đơn/quý như: Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định), Công ty Xăng dầu Bình Định, Công ty TNHH MTV Toyota Bình Định, Khách sạn Hoàng Yến… Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 206 đơn vị, trong đó đáng mừng là có cả một số DN vừa và nhỏ chuyển sang sử dụng HĐĐT.
“Từ ngày 1.11.2020, các DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử”.
(trích Khoản 3 và 4 Ðiều 26, Thông tư 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài Chính)
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hiền, Phó Trưởng phòng Kinh doanh - PC Bình Định, cho biết, hiện toàn bộ gần 440 nghìn khách hàng của đơn vị đều nhận HĐĐT. Điểm tích cực dễ thấy nhất là HĐĐT tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực, trong khi đó mức độ chính xác, minh bạch và phản hồi nhanh chóng lại cao hơn so với trước là những điểm ưu việt của HĐĐT.
Chị Bùi Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh Fruit (TP Quy Nhơn), cho biết, nhận thấy việc chuyển đổi sang HĐĐT mang lại lợi ích có tính lâu dài, từ tháng 6.2019, công ty chuyển sang sử dụng HĐĐT. Hàng tháng, số lượng trái cây mà công ty nhập về tương đối lớn, chủ yếu là bán lẻ, lượng hóa đơn phải xuất trong ngày nhiều. Nhờ sử dụng HĐĐT, DN tiết kiệm được thời gian trong việc xuất - nhận hóa đơn, lưu trữ thông tin.
Mới đây, Chính phủ đưa ra nhiều gói hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, từ đây DN có sử dụng HĐĐT lại bất ngờ có ưu thế khá lớn. Ông Ngô Hải Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh tại Bình Định, cho biết, trong việc hỗ trợ DN tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, việc DN cung cấp chứng từ về doanh thu, chứng minh khả năng phát triển trước dịch và phương án khôi phục sau dịch bệnh là lợi thế để các ngân hàng thương mại thương lượng các hợp đồng tín dụng cho các DN chưa có quan hệ khách hàng trước đó với ngân hàng. Các DN dễ dàng thuyết phục tổ chức tín dụng các điều kiện này nếu dựa vào tập hợp các dữ liệu thông qua HĐĐT.
Chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT mang lại nhiều lợi ích là điều đã được khẳng định. Để chuyển đổi thành công, DN buộc phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hoàn chỉnh, nhân lực đủ trình độ quản lý, có chữ ký số. Ông Trần Thanh Liêm, Phó trưởng phòng Điều hành nghiệp vụ - Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Định, tư vấn: Để khách hàng thuận lợi trong việc chuyển đổi, Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Định tư vấn trực tiếp, hỗ trợ cho khách hàng. Đến nay, VNPT Bình Định đã triển khai HĐĐT cho hơn 500 DN trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ giúp cho DN trong việc quản lý sổ sách, chứng từ, hạch toán doanh thu, chi phí đầu tư, HĐĐT trở thành điều kiện bắt buộc với các tổ chức kinh tế trong việc thực hiện kê khai thuế điện tử. Từ ngày 1.11.2020, các tổ chức kinh tế đủ điều kiện chính thức áp dụng HĐĐT theo Thông tư 68/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ người nộp thuế chuyển đổi HĐĐT, phấn đấu đến hết tháng 9.2020 sẽ đạt 100% DN và hộ kinh doanh đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh chuyển đổi áp dụng HĐĐT.
THU DỊU