Về những kẻ cản trở sự phát triển của đất nước (Tiếp theo và hết)
Truy tìm sự thật lịch sử một cách hệ thống để vạch trần tội ác của tổ chức khủng bố “Việt tân” và các tổ chức ngoại vi của nó trong việc lừa bịp khống chế, giết hại người Việt ở hải ngoại, tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam đó là nỗ lực không mệt mỏi của ông Nguyễn Thanh Tú (người Mỹ gốc Việt, con trai của ký giả Đạm Phong - một trong năm ký giả người Mỹ gốc Việt đã bị giết hại tại Mỹ trong những năm 80 của thế kỷ trước) trong các năm gần đây.
Và kết quả thu được đã khiến ông trở thành đối tượng để kẻ xấu thóa mạ, vu khống, thậm chí đe dọa cả tính mạng. Đầu năm 2020, nhân về thăm quê hương, ông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân. Lược ghi cuộc trò chuyện sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những việc làm, suy nghĩ, ước mong của ông về công lý, cũng như tình cảm đối với gia đình, đất nước. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để tham khảo và có thêm thông tin.
(Kỳ 2)
Nhiều cơ quan truyền thông của cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng của “Việt tân”, ít nhất cũng vì bị chi phối bởi tiền quảng cáo. Như bố tôi từng nói với tôi, truyền thông hải ngoại sẽ bị “Việt tân hóa” hết. Cần biết rằng hai chữ cộng sản đã nuôi được nhiều tờ báo của người Việt ở hải ngoại. Hằng ngày đọc báo, xem truyền hình là thấy họ đưa tin “cộng sản hôm qua thế này”, “cộng sản hôm nay thế kia”. Bỏ hai chữ “cộng sản” thì họ phá sản hết, đâu còn chuyện gì để nói nữa. Tại sao họ lại nhắm vào hai chữ “cộng sản”? Dù sao thì vẫn còn một số người lớn tuổi thuộc về thế hệ như bố tôi, vì hận thù, hiểu lầm, vì thiếu thông tin họ muốn nghe hai chữ cộng sản, muốn nghe những tin tức không tốt về Việt Nam. Thế hệ sau này, vì bị nhồi sọ mà một số người không hiểu. Tôi và những người gốc Việt đã về Việt Nam thường không tham gia các hoạt động đó. Tôi về vì yêu đất nước Việt Nam, yêu đồng bào Việt Nam, tôi muốn về đóng góp xây dựng đất nước. Càng chung sống với những người chống cộng thì càng bị nhồi sọ, chỉ biết hận thù mà thôi. Song khi về nước, biết được sự thật thì hoàn toàn khác, sẽ yêu và rất yêu Việt Nam.
Tôi là một người con, việc tôi làm cho bố tôi là đương nhiên, vì chữ hiếu. Chữ hiếu là văn hóa, là đạo làm người. Nhưng làm việc với tôi, câu trước câu sau có người lại hỏi: “Cộng sản đứng sau giúp anh làm à?”. Việc đổi tên từ “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” thành “Việt Nam canh tân cách mạng đảng”, gọi tắt “Việt tân”, thực chất là muốn tẩy xóa quá khứ. Vì với người biết rõ lai lịch, nhắc đến “mặt trận Hoàng Cơ Minh” là nhắc đến tử hình đồng đội, lập ra chiến khu “ma”, xâm nhập Việt Nam,... còn với cái tên “Việt tân” thì họ nói: “Chúng tôi biết gì đâu, chúng tôi không liên quan. Mặt trận là mặt trận, chúng tôi chưa hề dùng bạo lực, hoàn toàn vô tội”! Trong khi đó thì “mặt trận” chính là “Việt tân”, “Việt tân” cũng chính là “mặt trận”. Quân lính “mặt trận” xâm nhập Việt Nam bị bắt, họ khai chúng tôi xuyên rừng để du lịch Việt Nam, trên đường tình cờ nhặt được mấy khẩu súng nên mang theo để phòng thân, nếu chẳng may gặp phải thú dữ! Lại hỏi tại sao mặc đồ lính tráng, họ nói nông dân ở Việt Nam cũng mặc đồ như vậy! Giờ “Việt tân” coi “Đông tiến 1, Đông tiến 2” thời Hoàng Cơ Minh như chưa hề có. Như vậy, những người ngày trước theo họ đã chết vô ích, đúng như bố tôi đã nói với tôi cách đây mấy chục năm.
Họ lập đảng, nhưng cá nhân tôi và nhiều người Việt ở hải ngoại đã thấy rõ họ là một băng nhóm, không phải đảng phái chính trị. Trước khi tôi ra hoạt động công khai, một số chính trị gia của Mỹ bị họ mua chuộc, bởi ngây thơ nên tưởng “Việt tân” là một đảng chính trị lập ra để đối phó với chính quyền Việt Nam. Từ khi tôi công bố các kết quả điều tra của mình, nhiều người đã thấy rõ. Điều quan trọng là tôi liên hệ với Quốc hội và một số cơ quan của Chính phủ Mỹ. Còn việc cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại nghĩ gì về họ không quan trọng đối với tôi. “Việt tân” là tổ chức khủng bố chứ không phải đảng chính trị. Họ đã giết năm người và có khi còn hơn. Tôi trình bày với các tổ chức và cá nhân tôi đến gặp. Tôi lấy được khẩu cung và chuyển cho họ. Đỗ Hoàng Điềm khai ông ta chính là người của “mặt trận”, và những người vốn là đầu não của “mặt trận” ngày trước nay là đầu não của “Việt tân”, cùng từ một lò mà ra. Đấy là lời khai trước tòa, lời khai chính thức. Trước tôi, chưa ai đưa “Việt tân” ra tòa cả. Mục đích của tôi không phải để thắng hay thua, mà để chính thức hóa những lời nói của họ, rồi sử dụng nhằm chứng minh điều tôi muốn khẳng định.
Thời gian trước “Việt tân” rất mạnh. Kẻ vỗ ngực tự xưng “ủy viên trung ương”, người thì tự nhận “tổng bí thư” nọ kia! Một thời ở hải ngoại cái gì cũng “Việt tân”. Họ dùng nhiều thủ đoạn để gây quỹ, nên quỹ rất lớn. Ai cũng muốn chức vụ to để được là nhân vật quan trọng. Ai muốn có địa vị trong cộng đồng người Việt hải ngoại phải nằm dưới quyền điều hành của “Việt tân”. Thậm chí một số người từng là tướng lĩnh “Việt Nam cộng hòa” cũng ở dưới trướng “Việt tân”. Tại sao như vậy? Vì muốn lên truyền hình, muốn được phỏng vấn, muốn có tên tuổi thì phải qua cửa “Việt tân”. Gây quỹ thì ngày xưa họ mạnh, giờ thì ít. Nhưng cần phải nhớ rằng đến nay băng đảng “Việt tân” vẫn giàu. Họ kinh doanh đủ thứ. Vì kinh doanh hệ thống “phở Hòa” tại một số tiểu bang của nước Mỹ và một vài nước khác, mà nhiều người Việt ở nước ngoài đã gọi “Việt tân” là “đảng phở bò”, “đảng phở Hòa”, “kháng chiến tái nạm béo”!
Thời tôi còn nhỏ, cha tôi hay đi nước ngoài và thường mua đồ chơi về cho tôi, mà con trai thì thích súng ống, xe tăng, máy bay. Một buổi tôi đang ngồi với đống đồ chơi thì anh Minh hàng xóm qua dạy tôi học. Lúc đó tôi đang chơi trò lính Pháp đánh Việt Nam thua, anh ấy nói: “Không, Pháp mới bị thua, Pháp đã thua Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Nhưng tôi đâu có biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ai, nên không chịu và cãi lộn với anh ấy. Lúc đó bố tôi đang chuẩn bị đi làm, liền hỏi có việc gì mà anh em cãi lộn? Tôi kể anh Minh bảo lính Pháp thua Việt Nam. Bố tôi ngồi xuống giải thích cho tôi hiểu: lính Pháp là lính nhà nghề, thắng hay thua thì họ cũng phải rời Việt Nam, lính Việt Nam là tình nguyện, sẵn sàng hy sinh. Tôi thắc mắc, tại sao lại có người tình nguyện hy sinh vậy? Bố tôi hỏi nếu ngày mai con với mẹ đi chợ, mẹ bị hành hung, con sẽ làm gì? Tôi trả lời: “Con bảo vệ mẹ”. Bố tôi lại hỏi: “Nhưng người đó to hơn con thì sao?”. Tôi trả lời: “Con sẽ cầm đá ném vào họ”. Bố tôi hỏi tiếp: “Người đó có súng, có dao thì sao?”. Tôi trả lời: “Con bất chấp, con không cần biết”. Lúc đó bố tôi mới ôn tồn nói một điều mà đến nay tôi vẫn nhớ đại ý: Mẹ Việt Nam cũng vậy, khi Mẹ Việt Nam bị hành hung thì triệu người con tình nguyện bảo vệ bà, tức là mang thân đi cứu nước. Khi ấy tôi mới hiểu, hy sinh nghĩa là bất chấp nguy hiểm, mạng sống của những đứa con không còn quan trọng và họ quyết tâm, dù có thể bị kẻ xấu coi là “người lính ngu”. Tôi kể chuyện này để trả lời câu hỏi của bạn, vì ba năm ba tháng rồi, tôi chấp nhận làm “người lính ngu”, vì tôi đấu tranh cho bố tôi, cho công lý, để vạch mặt kẻ xấu. Họ bảo tôi là cộng sản, vì bố tôi là cộng sản, “cha nào con nấy” nên phải giết, phải thủ tiêu. Một số người có địa vị, một số tờ báo và một số phóng viên ở hải ngoại đã dùng từ ngữ nặng nề như bảo bố tôi là cộng sản nên “chết là đáng”. Có người bảo vì tôi là con cộng sản nên họ muốn xin “tí huyết”. Không hiểu “huyết” là gì tôi định hỏi mẹ, nhưng lại sợ bà lo lắng, không dám hỏi nữa. Tôi hỏi mấy người bạn qua Facebook, họ nói là “huyết” là “máu”. Vậy là tôi đã hiểu, mấy năm nay sinh mạng của tôi cũng trong vòng nguy hiểm như bố tôi ngày xưa.
Đôi khi tôi muốn có một bác sĩ giỏi nhất Việt Nam chữa cho tôi, giúp tôi quên những hình ảnh ngày xưa tôi chứng kiến. Trong đó có hình ảnh về một sự kiện mà tôi chưa có can đảm chia sẻ, nhưng tôi tin gần đây tôi có thể chia sẻ. Đau lắm! Mỗi khi nhắm mắt để ngủ, tôi muốn quên đi nhưng lại nghe thấy tiếng bố tôi. Trở về Việt Nam, mỗi bước chân tôi đi như đều có dấu ấn của bố tôi. Đôi khi tôi nghĩ bố tôi đã tái sinh và sống đâu đó quanh tôi. Khi bố tôi còn sống, tôi không muốn làm việc giống ông, vì tôi không thích. Và tôi nói với bố, tiếng Việt của con hạn chế, con không hiểu. Tôi sống theo kiểu như người Mỹ quen rồi. Bố mắng tôi, mắng hoài. Khi bố tôi hỏi con là người gì, tôi trả lời con là người Việt. Nhưng bố tôi nói không, bố không muốn con là người Việt, mà muốn con tự hào là người Việt Nam. Mỗi lần về Việt Nam, tôi rất nhớ bố. Ước ao ông còn sống để tôi đưa ông đi qua mấy con hẻm, cùng ngồi ăn uống ở vỉa hè. Giờ coi vi-đê-ô cũng đem lại niềm vui cho mẹ tôi, vì bà đọc được ý kiến của mọi người. Mẹ tôi đọc, mẹ tôi cười và bảo con có nhiều người ủng hộ quá, mẹ yên tâm hơn, không phải lo lắng nữa. Đó là niềm an ủi đối với tôi.
Tôi về Việt Nam rất thoải mái, muốn quay vi-đê-ô thì quay, chưa gặp ai cản trở. Chính quyền không gây khó dễ. Một số người không thích khi xem những vi-đê-ô tôi quay ở Việt Nam, họ nói với mấy người cực đoan là thằng Tú về Việt Nam quay phim để quảng bá cho chính quyền. Đúng, tôi quay các hình ảnh và quảng bá cho cái đẹp trên đất nước Việt Nam của tôi. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam. Về Việt Nam, tôi thích món ăn quê hương, vì ở Mỹ tôi tránh hết. Vả lại không có chỗ ngồi tự nhiên thoải mái. Ở Việt Nam tôi không phải lo gì hết. Tôi biết ở trong nước có nhiều người ủng hộ tôi, và với truyền thông, tôi được giúp đỡ. Nhân đây tôi xin cảm ơn những người đã ủng hộ và giúp tôi. Việt Nam ngày nay không còn như mấy chục năm trước và đang phát triển. Là người Việt Nam, là con nước Việt, tôi biết ai cũng sẽ đồng ý với tôi về những điều tôi muốn nói để kết thúc rằng: Ước mong của tôi là đất nước trở thành một cường quốc về mọi mặt. Tôi muốn Việt Nam hòa bình để mọi người có cơ hội phát triển, nước ngoài yên tâm đầu tư, chúng ta sẽ ngày càng mạnh hơn để cuộc sống càng đầy đủ hơn, để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Mấy chục năm qua rồi, dù còn bất đồng gì chăng nữa thì hãy gác sang một bên, điều quan trọng nhất là chúng ta cùng một cội nguồn. Cội nguồn ấy đang cần chúng ta hơn bao giờ hết. Chúng ta có mục tiêu chung là một nước Việt Nam giàu mạnh, nên những người Việt ở nước ngoài và một số người trong nước còn có suy nghĩ khác thì hãy đóng góp, đừng cản trở sự phát triển của quê hương.
Theo báo Nhân Dân