Ứng xử đúng với hiện vật, di tích
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, hiện vật của tỉnh có một số thông tin không hay như: Nhiều hiện vật quý giá bị trưng bày, cất giữ ngoài trời ở Bảo tàng Tổng hợp Bình Định dễ hư hỏng, cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành ở TX An Nhơn bị xâm phạm, và gần đây nhất là việc Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tự ý bán chuông đồng trong kho của Trung tâm.
Không đủ kho bảo quản, hiện vật phải nằm ngoài sân tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
Hiện vật, di tích là cầu nối giữa con người hiện tại với văn hóa, lịch sử, là biểu hiện trình độ văn minh. Do vậy, cách ứng xử hiện vật thể hiện cách sống của con người hiện tại với quá khứ. Và ở ta, những quy tắc ứng xử các hiện vật, di tích nói chung đã được Luật Di sản văn hóa quy định rõ ràng.
TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: Xin nói ngay tỉnh ta không nên để hiện vật, nhất là hiện vật điêu khắc Champa ngoài trời, như cách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã làm nhiều năm qua như thế. Chúng là hiện vật quý, xứng đáng có chế độ bảo quản tốt hơn, cần trưng bày và phát huy giá trị ở những nơi an toàn. Về việc Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tự ý bán chuông đồng trong kho, TS Đinh Bá Hòa chia sẻ thêm: Không thể chấp nhận việc làm như thế. Ngay cả khi quả chuông không có trong danh mục tài sản, thì cũng không thể bán đi được. Liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Huyện đang chỉ đạo các lực lượng chức năng xác minh vụ việc để có cách xử lý đúng quy định pháp luật.
Những người làm công tác văn hóa, bảo tàng, lịch sử… chính là người góp phần mở cánh cổng để mọi người quay về quá khứ. Do vậy, người làm công tác văn hóa phải có tâm, có tầm với di sản, có thái độ ứng xử phù hợp. Hy vọng sẽ không có thêm câu chuyện không hay nào nữa về cách ứng xử với hiện vật, di tích văn hóa như vừa qua.
ÐỖ THẢO