Gieo một hy vọng
“Đồng nát sắt vụn bán đi/ Đồng nát sắt vụn bán đi”, tiếng rao đồng nát của Lê Cát Trọng Lý và cậu bé ở Kenya mở đầu cho ca khúc “Liệu có thương nhau mãi”. Lời rao lặp lại 8 lần, lời rao bắt vang trong trẻo nhưng từ lần rao thứ 5 nhỏ dần nhỏ dần và tắt đi như gánh đồng nát mãi xa, chân mãi bước. Vẫn phong cách đó, phong cách được nhiều người yêu quý gọi là “phong cách thiên thần”, Lê Cát Trọng Lý cất lên những câu hát đời thường bình dị nhưng sâu sắc, lắng đọng, xúc động nhưng không ai oán. Tôi gọi đó là âm nhạc của sự cứu rỗi, đem đến sự bình yên, mang đến hy vọng từ những điều tăm tối nhất. “Mùa thì đêm ngắn, nắng điên/ Mùa thì mưa thấm, gió cay/ Lòng người thay đổi/Như nắng mưa đêm ngày/ Cũng như thời thì tem phiếu đói đen/ Thời thì sung túc đến quên/ Người còn ai oán/ Mình thời chân ướt/ Đi từ trong bùn”. Những câu hát cứ trôi quyện cùng tiếng cello da diết làm người nghe thấm thía được sự đói khổ đầy sẻ chia.
Lê Cát Trọng Lý và Nguyễn Thanh Tú chơi nhạc giữa khu ở chuột Kibera để làm MV “Liệu có thương nhau mãi”.
MV của ca khúc “Liệu có thương nhau mãi” được quay tại Kibera, khu ổ chuột lớn thứ 2 Kenya và lớn thứ 3 thế giới. Cảnh nghèo khổ, rách nát và bẩn được tái hiện như thước phim tự nhiên, giản dị mà khắc khoải, khiến nhiều người bị xoáy sâu vào những liên tưởng từ “đồng nát”. Hình ảnh Lê Cát Trọng Lý và nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tú chơi nhạc, hát giữa bọn trẻ, xung quanh toàn rác và những túp lều ổ chuột khiến nhiều người ray rứt và hy vọng. Với “Liệu có thương nhau mãi”, Lê Cát Trọng Lý đang gieo niềm hy vọng bằng âm nhạc, thắp lên trong mắt những em bé về một thế giới bình yên hơn, không phải chỉ ở Kenya mà còn là bất cứ nơi đâu trên thế giới; vì lẽ trẻ em ở đâu thì cũng là trẻ em và đó chẳng phải là giá trị ngọt ngào nhất của âm nhạc hay sao.
Link: https://www.youtube.com/watch?v=r2WMjO9fDuo
THẢO YÊN