Israel phát triển công nghệ mới điều trị bệnh nhân Covid-19
Viện Công nghệ Technion của Israel tuyên bố đã phát triển thành công công nghệ liệu pháp bọt lỏng (LIFT) để điều trị hội chứng suy hô hấp cấp, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân Covid-19.
Nhân viên y tế tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của Cơ quan dịch vụ khẩn cấp quốc gia ở thành phố Bnei Brak, Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 13.4, Viện Công nghệ Technion của Israel tuyên bố đã phát triển thành công công nghệ liệu pháp bọt lỏng (LIFT) để điều trị hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS).
ARDS gây ra tình trạng viêm phổi nghiêm trọng được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân Covid-19.
Viện công nghệ Technion cho biết công nghệ mới có thể giúp cứu sống bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp cấp.
Bệnh nhân mắc phải hội chứng suy hô hấp cấp thể hiện rõ qua việc phổi bị tổn thương do các chất lỏng bao phủ bề mặt phế nang trong phổi, gây ra sự tích tụ dịch trong những túi khí, từ đó ngăn oxy vào máu và những phần còn lại của cơ thể. Chính điều này có nguy cơ gây suy hô hấp cấp và tử vong.
Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Technion đã cải tiến liệu pháp thay thế chất hoạt diện bề mặt ở phổi (SRT) bằng liệu pháp bọt lỏng LIFT.
Phương pháp SRT được sử dụng điều trị cho trẻ sinh thiếu tháng, theo đó bơm chất hoạt diện bề mặt ở phổi vào phổi trẻ. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả đối với phổi của người lớn do sự khác biệt về kích thước.
Việc phát triển thành công LIFT giúp cải thiện đáng kể sự phân phối chất hoạt diện bề mặt ở phổi.
Liên quan phòng chống dịch Covid-19, cùng ngày, công ty quốc phòng Elbit Systems của Israel thông báo đã điều chỉnh dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng nghìn máy trợ thở trong thời gian tới.
Đại diện công ty Elbit cho biết công ty đã chuyển 2 cơ sở thành các dây chuyền sản xuất và lắp ráp máy trợ thở dựa trên công nghệ của LifeCan Medical. Theo kế hoạch, hoạt động chế tạo các thiết bị này sẽ bắt đầu sau khi kỳ nghỉ Lễ Quá hải của người Do Thái kết thúc ngày 15.4.
Dự kiến, công suất chế tạo sẽ đạt 300 triệu máy thở mỗi tuần. Ban đầu, các máy trợ thở này sẽ được cung cấp cho các trung tâm y tế trong nước.
Theo Bộ Y tế Israel, nước này có khoảng 3.500 máy trợ thở, tức là trung bình 2.500 người/máy. Giới chức Israel đặt mục tiêu đến tháng 5 tới tăng tổng số máy trợ thở lên 7.000 chiếc bằng cách chế tạo trong nước và nhập khẩu, theo đó đạt tỷ lệ 1.245 người/máy.
Cùng với nhiều nước khác trên thế giới, Chính phủ Israel đang thúc đẩy nỗ lực tự chế tạo hoặc tìm nguồn cung máy trợ thở trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại nước này đã tăng lên 11.586 ca với 116 ca tử vong.
Người đứng đầu bộ phận thu mua của Bộ Y tế, ông Orly Weinstein nhấn mạnh Israel phải tự chế tạo các thiết bị này, đặc biệt khi một số nhà cung cấp nước ngoài nâng giá hoặc hủy đơn hàng để tập trung nguồn lực trong nước.
Trong tuần này, một nhóm nhà khoa học Israel cho ra mắt một máy trợ thở mới chế tạo có tên AmboVent. Các nhà khoa học này cho biết có thể dễ dàng chế tạo AmboVent với giá 500-1.000 USD/chiếc, thấp hơn so với nhiều dòng máy thương mại hiện nay. Theo các nhà thiết kế, sơ đồ chế tạo AmboVent đã được công bố miễn phí trên mạng.
Tháng 3 vừa qua, công ty quốc phòng nhà nước Israel Aerospace Industries (IAI) cũng tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt máy trợ thở với sự phối hợp của chính phủ và nhà chế tạo thiết bị y tế Inovytec.
Theo Vietnam+