Giải mã ADN lâu đời nhất của loài người
Các nhà khoa học Đức mới đây tiến hành nghiên cứu và giải mãi ADN lâu đời nhất của con người, được lấy từ một chiếc xương đùi có từ 400.000 năm trước.
Theo các nhà khoa học thuộc Viện nhân chủng và tiến hóa Max Planck ở thành phố Leipzig, Đức, phần xương đùi được phát hiện tại khu vực Sima de los Huesos (Hố Xương), phía bắc cao nguyên Sierra de Atapuerca, Tây Ban Nha.
Telegraph cho hay, nhóm nghiên cứu giải mã bộ gene ADN và so sánh với ADN của người Neanderthal, người Denisovan, con người hiện đại và loài khỉ không đuôi. Kết quả cho thấy chủng người cổ được phát hiện có quan hệ gần gũi với người Denisovan hơn so với người Neanderthal.
Với kết quả này, nhóm nghiên cứu tin rằng hai chủng người Neanderthal và người Denisovan bắt đầu tách ra và phát triển riêng biệt từ 700.000 năm trước. Giáo sư Arsuaga Svante Paabo, giám đốc Viện Nhân chủng và Tiến hóa Max Planck cho biết kết quả phân tích cho thấy các nhà khoa học có thể nghiên cứu ADN từ tổ tiên của loài người qua hàng ngàn năm tuổi. Phát hiện này đồng thời mở ra triển vọng nghiên cứu mới về hệ gen của người Neanderthal và Denisovan.
Kết quả này cũng làm sáng tỏ một số diễn biến phức tạp của những chủng người đầu tiên trên thế giới. Trong khi người Neanderthal tiến hóa ở châu Âu thì người Denisovan sinh sống chủ yếu ở châu Á. Giáo sư Juan- Luis Arsuaga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa và Hành vi con người ở Tây Ban Nha, cho biết nghiên cứu này chỉ ra một mô hình phức tạp của sự tiến hóa trong nguồn gốc của người Neanderthal và con người hiện đại.
Việc xác định chính xác về sự khác nhau của những tộc người cổ trong quá trình tiến hóa là một đề tài thường gây tranh cãi và có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra. Nhưng nghiên cứu mới này làm dấy lên hy vọng tìm hiểu về quá trình tiến hóa của loài người qua các giai đoạn lịch sử với độ chính xác cao.
. Theo Đức Huy (VnE)