Nguồn gốc của “tầm thường”
Ngày nay, chúng ta dùng tầm thường với tư cách là một tính từ, với nghĩa “hết sức bình thường, không có gì đặc biệt (hàm ý chê)” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.866), như trong cách nói ham muốn tầm thường, một con người tầm thường...
Nhưng ban đầu, đây lại là tổ hợp đẳng lập của hai danh từ gốc Hán là tầm và thường. Tầm và thường là hai đơn vị trong hệ thống đo lường thời cổ của người Trung Hoa. Trong đó, 8 xích (thước) = 1 tầm, 2 tầm = 1 thường. Nói chung, tầm và thường chỉ những kích thước nhỏ. Về sau, chúng chuyển nghĩa để chỉ những điều “nhỏ nhặt”, rồi mang nghĩa “tầm thường” như được dùng hiện nay.
Thật ra, cách dùng từ chỉ đại lượng đo lường để gọi cho tính chất của sự vật, hiện tượng không chỉ có trong tiếng Hán. Trong tiếng Việt cũng có cách diễn đạt tương tự. Các tổ hợp từng li, từng cắc, từng đồng... chủ yếu được dùng với mục đích thể hiện tính cách con người là những trường hợp thường gặp.
Cả tầm và thường đều đi vào tiếng Việt. Nhưng oái ăm thay, thường không những phổ biến hơn tầm, mà còn giữ được nét nghĩa của cả tổ hợp, như trong các từ, cụm từ đời thường, bình thường, thường quá, thường thôi... Tầm tuy không mang nét nghĩa trên nhưng lại giữ được nghĩa đo lường, như trong các từ, cụm từ: tầm vóc (tương đương với thước vóc với thước (biến âm của xích) cũng là một danh từ chỉ đơn vị), tầm thước, tầm mắt, vừa tầm, quá tầm, trong tầm tay, ngoài tầm với...
Đọc Truyện Kiều, có lẽ không ít người từng băn khoăn về hai tiếng đầu tiên của hai câu Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng. Nghìn tầm ở đây chính là 1.000 tầm, nghĩa là cao vô cùng. Đây là lời của cha Thúy Kiều nói với Mã Giám Sinh khi tiễn con theo... chồng. Tiếc thay, những lời gởi gắm trang trọng, thống thiết ấy đã trao nhầm người.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ