Sẽ báo cáo Thủ tướng về phương án thi THPT quốc gia 2020
Ngày 14.4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chương trình giáo dục phổ thông học kỳ 2 năm học 2019-2020, đến nay ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thực hiện chương trình tinh giản, tổ chức dạy học trên truyền hình, qua internet.
Hai chị em Hoàng Hà và Ái Linh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hồng Ngọc (quận Tân Phú), đang học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HUỲNH NGA
Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành khảo sát tình hình dạy học qua internet, trên truyền hình, từ đó khuyến nghị các giải pháp cho từng cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy học tốt hơn với phương thức này.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học. Ngay trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với một số sở GD-ĐT về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; hội nghị đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19.
Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 như sau: kết thúc năm học trước ngày 15.7; thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11.8. Bộ GD-ĐT tính toán, nếu tình hình dịch được kiểm soát và học sinh có thể đi học lại vào ngày 30.5, chậm nhất là ngày 15.6 thì vẫn bảo đảm chương trình để kết thúc năm học trước ngày 15.7. Như vậy, các em vẫn hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần để ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia và tham gia kỳ thi THPT quốc gia một cách thuận lợi với tinh thần giảm nhẹ nhất. Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nếu như học sinh đi học muộn sau ngày 15.6 thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội về phương án thi phù hợp hơn.
Theo PHAN THẢO (SGGP)