Nâng chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương
Sau thử nghiệm thành công thiết bị ứng dụng công nghệ nano UFB (Ultra Fine Bubble) trên 3 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) trong năm 2019, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) tiếp tục chuyển giao, lắp đặt thêm thiết bị cho 7 tàu câu cá ngừ đại dương ở địa phương này. Theo ông Phạm Văn Long, Phó Phân Viện trưởng Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam (Viện Nghiên cứu Hải sản), thiết bị nano UFB tạo bong bóng khí nitơ siêu nhỏ kích cỡ nanomet có tác dụng khử oxy hòa tan trong nước, loại bỏ quá trình oxy hóa từ bề mặt ngoài vào đến bên trong cơ thể cá, làm giảm phát triển vi khuẩn hiếu khí giúp bảo quản cá tốt hơn.
Cá ngừ đại dương bảo quản bằng công nghệ nano UFB tại Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến có chất lượng tốt.
Là một trong những ngư dân được chuyển giao công nghệ bảo quản nano UFB cuối năm 2019, ông Nguyễn Văn Quốc (xã Tam Quan Bắc) - chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 98338-TS, đầu tư thêm 60 triệu đồng nâng cấp 6 hầm bảo quản sản phẩm trên tàu để đồng bộ với hệ thống UFB. “Cá ngừ đại dương bảo quản theo phương pháp cũ phải để nằm ngang trong hầm đá nên rất khó đạt loại A. Với thiết bị nano UFB, cá bảo quản trong hầm được móc thẳng đứng, tỷ lệ cá đạt loại A chiếm gần 90%, lợi nhuận tăng 10 - 12 triệu đồng/chuyến. Chưa kể, số lượng đá lạnh mang theo trên tàu chỉ còn 350 cây, giảm gần một nửa, tiết kiệm hơn 7 triệu đồng”, ông Quốc chia sẻ.
Sản phẩm cá ngừ đại dương bảo quản bằng nano UFB đạt tỷ lệ loại A là 73%, loại B+ đạt 11%, loại B và C chiếm 15%, loại D chỉ chiếm 1% sản lượng.
Ông Trần Văn Hồi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến (xã Tam Quan Bắc) cho biết, đơn vị cũng sử dụng thiết bị nano UFB để bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương. Trước đây, khi mua gom cá xong phải đưa lên xe đông lạnh để chuyển ngay vào Khánh Hòa. Nhưng với thiết bị nano UFB, có thể gom đủ số lượng và bảo quản khoảng 15 ngày rồi chuyển đi, cá vẫn đảm bảo chất lượng tốt, giảm chi phí vận chuyển. “Riêng 10 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân ở Hoài Nhơn sử dụng công nghệ nano UFB, chúng tôi mua gom giá cao hơn 10% - 15% giá thị trường”, ông Hồi thông tin.
Với thành công của dự án sử dụng thiết bị công nghệ nano UFB được triển khai tại Bình Định, Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết sẽ nhân rộng cho ngư dân trong tỉnh để góp phần thiết lập chuỗi liên kết mua gom, bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương từ biển về bờ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN