Siết chặt quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Ðể siết chặt quản lý tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn, CA tỉnh đang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đưa Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đi vào cuộc sống.
CA huyện Vĩnh Thạnh kiểm kê số vũ khí thu giữ.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VKVLN-CCHT) trái phép vẫn còn diễn ra, đã gây ra những hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh vẫn đang chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng về 2 mẫu súng trong 2 vụ sử dụng súng để có cơ sở xử lý theo pháp luật. Cách đây hơn 1 tháng, tối ngày 3.3, như thường lệ 2 ông Đinh Mến (22 tuổi) và Đinh Nhin (32 tuổi) cùng trú khu phố Klotpok, thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) rủ nhau mỗi người mang theo 1 khẩu súng đi săn bắn thú rừng. Khi đến khu vực suối Hà Ren, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, ông Nhin ngồi trên tảng đá nghỉ còn ông Mến tách riêng đi vệ sinh. Bất ngờ nghe tiếng súng phát ra kèm theo là tiếng gào thét, ông Mến chạy đến thì thấy ông Nhin quằn quại rồi tử vong. Qua khám nghiệm hiện trường, nhiều khả năng trong lúc ngồi nghỉ ông Nhin bị trượt chân, súng cướp cò đạn nổ dẫn đến tử vong.
Mới đây, ngày 17.3 các đối tượng Nguyễn Văn Quốc, Phạm Hữu Tín và Phạm Trí Hoài cùng trú xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) mang theo khẩu súng dạng rulo đến nhà Đoàn Văn Phương trú xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) để đòi nợ. Không có Phương ở nhà, nhóm của Quốc cãi nhau với cha và em ruột Phương. Thấy vậy, Tín rút súng chỉa lên trời bắn 2 phát thị uy trước khi cả 3 lên xe bỏ đi.
Còn ông Đinh Trớ (46 tuổi, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) đã phải sống đời sống thực vật gần một năm nay vì thương tật 93%, nạn nhân trong vụ “săn thú bắn nhầm người”. Thủ phạm là ông Đinh Đít (74 tuổi, trú cùng làng) đang phải thi hành bản án 4 năm tù về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Cũng tại xã Vĩnh Kim, ông Đinh Văn Bớt một phen thoát chết nhưng cơ thể chằng chịt vết sẹo và bị cụt mất 1/3 cánh tay vì hậu quả của việc dùng vật liệu nổ đánh cá trên dòng sông Côn.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng VKVLN-CCHT có hiệu lực thi hành từ ngày 10.1.2020 đã quy định một số điều nhằm siết chặt hơn công tác quản lý, sử dụng VKVLN-CCHT để loại trừ hiểm họa cho xã hội. Thượng tá Võ Ngọc Huynh, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh, cho biết: Qua công tác vận động hàng năm số lượng VKVLN-CCHT người dân tự giác giao nộp khá nhiều nhưng số lượng súng độ chế vẫn còn trong xã hội không phải là ít. Năm 2019, CA tỉnh đã vận động thu hồi 6 súng quân dụng, 117 súng hơi và súng tự chế, súng thô sơ với hàng nghìn viên đạn các loại.
Ở địa bàn tuyến núi, mặc dù lực lượng CA mở nhiều đợt vận động thu hồi nhưng bà con vẫn còn lén lút sử dụng để săn bắn. Theo trung tá Trương Ngọc Phương, Phó trưởng CA huyện Vĩnh Thạnh, đầu năm 2020 đơn vị tiếp tục tham mưu phát động, phân công cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc bám địa bàn cùng với già làng, người uy tín tuyên truyền, giáo dục bà con dân tộc thiểu số thấy được tác hại của việc tàng trữ, sử dụng súng săn để tự giác giao nộp.
Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm bảo vệ an toàn đại hội đảng các cấp, tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, CA tỉnh đã siết chặt tổng kiểm tra, vận động toàn dân thu hồi và tố giác hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép VKVLN-CCHT, đấu tranh mạnh với loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Các phòng nghiệp vụ, CA các địa phương cũng đã phối hợp với đơn vị chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa các trường hợp mua bán công cụ hỗ trợ qua mạng và qua đường bưu điện.
TẤN TÀI