Việt Nam muốn chung tay với toàn cầu trong phòng chống Covid-19
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas, ngày 16.4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch Covid-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị trực tuyến. (Ảnh: TTXVN phát)
Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 26 quốc gia châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và châu Phi, nhằm thúc đẩy đoàn kết quốc tế để cùng vượt qua đại dịch Covid-19.
Các bộ trưởng cũng thảo luận về những biện pháp hỗ trợ, tăng cường các thể chế đa phương, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để các tổ chức này thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Với những thành quả tích cực đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như vị thế nước Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là khách mời đầu tiên phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng chia sẻ về nỗ lực ứng phó dịch bệnh chủ động, kịp thời của Việt Nam với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu.
Với quyết tâm chính trị cao và đồng thuận của xã hội, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các biện pháp cách ly bắt buộc, truy tìm đối tượng tiếp xúc với người bệnh cũng như mở rộng xét nghiệm và điều trị hiệu quả.
Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là người lao động, người nghèo và dễ bị tổn thương, để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Với những nỗ lực đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, đến nay Việt Nam về cơ bản đang kiểm soát được dịch bệnh với dưới 300 ca mắc bệnh và chưa có trường hợp tử vong
Để cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra 4 đề xuất cụ thể.
Thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương dựa trên vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và WHO, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của WHO nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ các nước đang phát triển. Trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ đóng góp vào nỗ lực này và sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế “Made in Vietnam".
Thứ hai, cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu; bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận vắcxin và thuốc điều trị.
Thứ ba, cần chấm dứt các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là các hành động cường quyền, đơn phương và trái với luật pháp quốc tế. Cần ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia.
Thứ tư, cần xây dựng kế hoạch phát triển hậu Covid-19 với trọng tâm là phối hợp chính sách và biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định thị trường tài chính và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Liên minh vì chủ nghĩa đa phương do Đức và Pháp thành lập tháng 4.2019, là một mạng lưới không chính thức và khuôn khổ mở của các nước đồng quan điểm về vai trò, đóng góp của chủ nghĩa đa phương.
Liên minh luôn theo đuổi cách tiếp cận ủng hộ các thỏa thuận, chuẩn mực quốc tế, mở rộng vai trò và đóng góp của chủ nghĩa đa phương nhằm thích ứng với bối cảnh mới; cải cách hoạt động của các cơ chế đa phương theo hướng hiệu quả, dân chủ, minh bạch và có tính giải trình.
Liên minh không có cơ chế thành viên cố định, chủ yếu là các nước thuộc Liên minh châu Âu và một số nước ở các khu vực khác. Việt Nam hiện chưa là thành viên của Liên minh này.
Theo (TTXVN/Vietnam+)