Học sinh vùng cao trọ học
Hằng năm, từng đoàn học sinh dân tộc thiểu số ở các làng vùng cao vẫn dắt díu nhau vượt suối, băng rừng về trung tâm huyện theo đuổi con chữ, nuôi ước mơ về một tương lai tươi sáng. Trong số đó, không ít học sinh THPT phải ở nhờ, ở trọ vì không có chế độ nội trú. Từ trong những vất vả, gian nan, tinh thần hiếu học, tự lập của học sinh càng rõ nét.
Rời làng xuống “thị”
Đi một vòng quanh thị trấn các huyện miền núi để tìm hiểu cuộc sống của học sinh THPT người dân tộc thiểu số trọ học, không quá khó để nhận ra những ngôi nhà trọ với đầy dây treo quần áo học sinh. Không giống ở miền xuôi, nhà trọ ở đây thường là nhà kho, nhà tạm, một số được xây theo dạng nhà rông. Học sinh thường chọn những ngôi nhà gần trường để tiện cho việc học tập. Đầu năm học thường là thời điểm chộn rộn nhất khi khá nhiều phụ huynh hoặc từng nhóm học sinh lùng sục khắp nơi tìm chỗ trọ.
Giữa tháng 8, Đinh Văn Tiến (ở làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh) và người chú ruột (học cùng lớp) đã cùng cha xuống thị trấn Vân Canh tìm nhà trọ. Hai cha con khá ưng ý với ngôi nhà sàn bằng gỗ chỉ cách trường gần 10 phút đi bộ, chủ nhà lấy giá thuê trọ 150 ngàn đồng/tháng. Cha của Tiến đã dựng một nhà bếp nho nhỏ ở phía sau để các con nấu nướng, rồi chỉ con chỗ lấy củi, tìm người quen xin được lấy nước sinh hoạt… Xong đâu đó, cha Tiến mới trở về với ruộng, rẫy. Tiến cùng chú bắt đầu cuộc sống tự lập năm đầu tiên.
Việc tìm phòng trọ ở các xã vùng cao không dễ, bởi vậy, có một chỗ trọ tương đối, học sinh thường giới thiệu đồng hương, người thân ở cùng hoặc “thế chân” khi không ở nữa. Học lớp 12 Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, nhà ở tận xã Vĩnh Hòa, Đinh Thúc rủ thêm 6 bạn cùng quê thuê chung một phòng trọ rộng chừng 20m2 ở thị trấn Vĩnh Thạnh với giá 1 triệu đồng/tháng. Ngoài nhóm của Thúc, hầu hết học sinh ở những vùng khó khăn như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), Canh Liên, Canh Hiệp (huyện Vân Canh), An Toàn, An Nghĩa (huyện An Lão) đều chọn cách ở ghép để chia sẻ tiền thuê nhà trọ.
Ghé phòng trọ của Thúc vào một buổi chiều tà, đúng lúc nhóm bạn vừa đi đá bóng về. Căn phòng nhỏ chất đầy vật dụng cá nhân như cặp, sách, mùng mền, chiếu gối. Trong gian bếp đơn sơ có đắp 3 cái lò đất, vài cái nồi nhỏ đặt lên trên. Biết chúng tôi có ý nán lại cùng ăn cơm chiều, các em học sinh tỏ ra vui mừng nhưng cũng e ngại. “Sợ các chị không quen ăn kiểu học sinh tụi em. Bận bịu học hành nên 2-3 ngày tụi em mới đi chợ một lần”, một bạn nói. Thấy chúng tôi cởi mở, dễ gần, ngay lập tức, nhóm học sinh như được xếp lịch, ai vào việc nấy. Người nấu cơm, người lặt rau, người dọn chén đũa. Trong gian nhà bếp khá chật, 7 cậu học sinh quê ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh xoay quanh mâm cơm. Gọi là mâm nhưng chỉ là chiếc bao nhỏ trải dưới đất. Món ăn chỉ vỏn vẹn tô canh bí đỏ và chén cá kho mặn. 7 chàng trai tuổi ăn tuổi lớn cùng khách mời chia nhau 5 lon gạo. Các bạn gắp thức ăn cho nhau và ưu tiên cho 3 “lính mới”. Đinh Văn Nghị- một trong 3 “lính mới”- vò đầu cười nói: “Mắt trái của em không nhìn thấy từ nhỏ, nên em chưa từng rời làng. Gia đình đã rất lo lắng khi em xa nhà. Bản thân em cũng sợ đến nơi ở mới bao điều xa lạ. Nhưng được ở chung với các anh, em luôn cảm nhận được không khí ấm áp”. Cùng buông đũa đứng dậy, người rửa chén, người quét nhà. Tiếng cười nói chộn rộn cả gian phòng.
Vượt khó học tập
Để tiết kiệm chi tiêu, học sinh vùng cao rất chịu khó đi chợ. Sau giờ học, Đinh Văn Tiến rời trường là đến thẳng chợ nằm trên đường về nhà. Dạo một vòng quanh khu vực hàng tươi sống, em chọn cá nục hấp và một ít rau, dự định nấu món canh cá ngọt. Rời nhà hơn 3 tháng và gắn bó với việc chợ búa mỗi ngày, Tiến đã có phần dạn dĩ hơn khi tiếp xúc với các bà, các chị mua bán ngoài chợ.
Hơn 5 phút đạp xe, Tiến dẫn chúng tôi về ngôi nhà trọ có sàn làm bằng gỗ với mái tôn đỏ, nằm gần trung tâm thị trấn Vân Canh. Đẩy cửa vào nhà, thấy chú chưa về, em vội xách xô đi xin nước ở nhà người quen cách đó chừng 500 bước chân. Từ xa, nhìn dáng em nhỏ nhắn, gầy guộc nghiêng hẳn về phía xô nước đang không ngừng chênh chao, lắc lư theo từng bước chân mà chợt thấy thương những đứa trẻ của núi rừng hiếu học phải tự lập từ sớm.
Bắt xong nồi cơm điện, Tiến loay hoay dọn dẹp vài vật dụng đơn giản trong nhà cho ngăn nắp. Tiến kể: “Mùa này, buổi tối, gió lùa vào những khe hở nhà sàn lạnh lắm. Em và chú chỉ có cái mền mỏng”.
Lần đầu xa làng về trung tâm huyện trọ học, cô học trò Đinh Thị Khênh, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh nhớ cồn cào gia đình, làng xóm. Cứ 5-6 giờ chiều, em lại gọi điện về cho mẹ. Không được như Khênh, nhiều học trò ở Canh Liên như Tiến dù nhớ nhà cũng không thể gọi điện hỏi thăm, bởi sóng điện thoại vẫn chưa đến Làng Cát, K’Bưng, K’Nâu… Tuy vậy, niềm vui của Tiến là cứ 2-3 tuần, cha lại xuống thăm kể chuyện làng hoặc chở về thăm nhà. Học cùng lớp với Tiến có Lê Thị Giăng, dân tộc Chăm ở làng Canh Giao, xã Canh Hiệp. Trọ học một mình, buổi tối Giăng học bài từ 7-10 giờ rồi ngủ. “Thỉnh thoảng cũng có cảm giác sợ, em lấy bài ra học để lấn át nó. Là chị cả của hai đứa em, em biết mình phải cố gắng học tập để làm gương cho các em. Bố mẹ cũng thường xuyên gọi điện động viên cố gắng học hành. Em thích học Văn và Lý. Cả làng Canh Giao chỉ còn hai người đang theo học THPT là em và một bạn học ở Trường PTDTNT tỉnh. Em luôn tự động viên mình và bạn bè phải vượt qua khó khăn. Không được đầu hàng, bỏ cuộc giữa chừng”, Giăng kể.
Nuôi dưỡng ước mơ
Còn nhiều học sinh người dân tộc thiểu số chúng tôi đã gặp như Đinh Văn Tiêu ở làng K’Nâu, xã Canh Liên (huyện Vân Canh), Đinh Văn Chín ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Đinh Văn Thìn ở xã An Vinh (huyện An Lão)… Các em có đặc điểm chung là rụt rè, nhút nhát, lời trao đổi ngắn gọn, duy chỉ có ánh mắt là luôn rực sáng với quyết tâm bám trường, bám lớp. Đinh Văn Đào, lớp 12A6, ở làng K’Bông, xã Canh Liên cho biết cách đây 2 năm, em cùng 5 người bạn cùng làng từ Canh Liên xuống Trường PTDTNT Vân Canh nhập học. Đến nay, cả 6 người đều đang học lớp 12. “Em sẽ cố gắng thực hiện ước mơ trở thành một giáo viên dạy thể dục”, Đào cười thật tươi nói.
Ông Nguyễn Phong Hải, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT Vân Canh, chia sẻ: Năm nào, trường cũng có 60-70 học sinh THPT từ xã Canh Hiệp, Canh Liên nhập học phải ở nhờ nhà người quen, hoặc thuê nhà ở. Những năm qua, các bậc phụ huynh người dân tộc thiểu số đã biết chăm lo việc học cho con em mình, nên số học sinh nhập học ngày càng đông. Các em ăn, ở bên ngoài, trường không thể nào quản lý được. Thật lòng, biết có một số em vì gia cảnh quá khó khăn không thể tiếp tục theo học, chúng tôi rất xót xa. Trường đã tính đến phương án mở các lớp THPT “nhô” ở Trường PTDT bán trú Canh Liên, nhưng bàn mãi vẫn bế tắc.
Trường PTDTNT Vân Canh đang mong các cấp quan tâm xây dựng thêm một dãy phòng ký túc xá trong trường. Nhà trường sẽ kêu gọi phụ huynh học sinh cùng đóng góp tiền ăn cho các em. Chính sách hỗ trợ học sinh THPT dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu và hỗ trợ tiền ở bằng 10% mức lương tối thiểu cần được quan tâm thực hiện sớm, để hỗ trợ phần nào cho học sinh vùng cao.
Nhiều ngày rong ruổi các huyện tìm hiểu chuyện trọ học của học sinh miền núi, chúng tôi được các em chia sẻ rất nhiều về mong muốn được ở ký túc xá. Chia tay Đinh Văn Tiến khi trời nhá nhem tối, dáng nhỏ bé của em bên cạnh ngôi nhà rông lộng gió xa dần. Nhưng chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời em nói lúc chia tay: “Em sẽ cố gắng vượt mọi khó khăn, học tập thật tốt để trở thành một cán bộ xã có năng lực, đóng góp xây dựng quê hương”.
NGỌC TÚ - NGUYỄN MUỘI