Chủ động nguồn tiếp nước trong công tác chữa cháy
Theo thống kê, có khoảng 40% các vụ cháy trên địa bàn tỉnh xảy ra tại những khu vực không có trụ nước chữa cháy, hoặc khu vực nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Ðể bảo đảm cho việc tiếp nước, chữa cháy hiệu quả, ngành chức năng đã chủ động một số giải pháp.
Việc tiếp nước kịp thời sẽ hỗ trợ tốt công tác chữa cháy, tránh cháy lan, cháy lớn gây nhiều thiệt hại.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4/9 vụ cháy tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, những vụ cháy tại khu vực này đều được lực lượng chức năng xử lý kịp thời nên không để cháy lan, cháy lớn, giảm đáng kể tổn thất về tài sản. Đó là nhờ một phần vào sự chủ động địa bàn, khu vực lấy nước để kịp tiếp ứng.
Theo đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC& CNCH (CA tỉnh), để nhanh chóng xuất xe làm nhiệm vụ ngay khi nhận được tin báo cháy, các xe chữa cháy của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH luôn chứa đầy nước. Song với sức chứa chỉ khoảng 3 - 5 m3 nước/xe nên chỉ sau vài phút phun khống chế đám cháy là cạn nước. Khi đó, việc tiếp nước cho xe sẽ dựa vào các trụ nước công cộng chữa cháy tại khu dân cư hoặc ao, hồ. Hiện nay, đa phần các trụ nước chữa cháy tập trung ở khu vực thành thị, khu, cụm công nghiệp, còn ở khu vực nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa thì nguồn nước hoàn toàn dựa vào sông, hồ tại địa bàn. Tuy nhiên, vị trí tại những nơi này đôi lúc cũng không thuận tiện vì địa bàn xa, khó cho xe tiếp cận lấy nước, hoặc nguồn nước bị khô. Vậy nên, để chủ động tình hình cũng như đảm bảo nguồn tiếp nước khi có sự cố cháy xảy ra, lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, phương án chủ động nguồn tiếp nước.
Đại tá Long cho hay: “Lực lượng thường xuyên khảo sát giao thông, khảo sát nguồn nước để nắm chắc khu vực, địa bàn nơi nào có nước, nơi nào không, vị trí di chuyển thuận lợi nhất. Đồng thời xây dựng các “cánh tay” nối dài là các công ty, DN, đơn vị có hệ thống bồn nước, phương tiện chữa cháy để khi có sự cố có thể tiếp nước ngay, tránh tình trạng cháy lan, cháy lâu gây thiệt hại lớn”.
Điều quan trọng nữa là ý thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm của một số đơn vị, DN nằm ở vùng giáp ranh hoặc ở các huyện cũng đã tạo thuận lợi cho việc điều động, tiếp nước chữa cháy tại những khu vực không có sẵn trụ nước công cộng, khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Hải (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), đơn vị có 3 bể chứa nước với 250 m3 nước và thường xuyên được trữ đầy để sử dụng khi có sự cố cháy xảy ra. “Chúng tôi nghĩ việc chữa cháy là trách nhiệm chung của mọi người, chứ không riêng của lực lượng nào, nên chỉ cần được điều động là chúng tôi tham gia hỗ trợ ngay. Việc chủ động nguồn nước dự trữ cũng như phương tiện để khi cần sử dụng ngay là rất cần thiết. Như mới đây, chúng tôi cũng đã kịp hỗ trợ tiếp nước chữa cháy tại một nhà kho trên địa bàn Nhơn Hòa”, ông Quốc chia sẻ.
Có thể nói, nhờ sự chủ động nguồn tiếp nước trong công tác chữa cháy mà thiệt hại do cháy gây ra cũng được giảm đáng kể. Nếu như cùng thời gian này của năm 2019, thiệt hại do cháy là 1,48 tỷ đồng, thì nay là 310 triệu đồng. “Chúng tôi được các đơn vị, DN hỗ trợ nhiệt tình khi được điều động tham gia chữa cháy, trong đó có những đơn vị khá chuyên nghiệp khi họ đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại để kịp tiếp ứng. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần cho công tác chữa cháy đạt hiệu quả”, đại tá Nguyễn Văn Long nói.
K.ANH