Bún hủ tiếu bà Châu
Gia đình bà Nguyễn Thị Châu (64 tuổi, ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, ảnh) là một trong những hộ giữ và phát triển được nghề làm bún hủ tiếu.
Để sản xuất ra bún hủ tiếu bán ra mỗi ngày, người làm phải mất thời gian 2 ngày từ khâu nhào bột mì, tráng thành bánh, đem phơi ỉu, ủ bánh qua đêm, cắt thành sợi và tiếp tục phơi thêm nắng cho khô hẳn mới sắp xếp thành lọn, cột lại thành bó ngay ngắn. Bà Châu cho biết: Để bánh hủ tiếu đảm bảo chất lượng, trước đó phải lọc - lắng bột mì sao cho thật sạch, thật trong, đến khi ngửi không còn thấy chua mới đạt yêu cầu. Vì không dùng chất phụ gia, chất bảo quản nên hạn sử dụng chỉ vào tầm 20 ngày. Nếu để lâu sợi bún sẽ chuyển màu vàng, vẫn ăn được nhưng người dùng không chuộng. Tôi bán bún hủ tiếu khô giá 20.000 đồng/kg, nếu bán gọn gàng tầm 40 - 50 kg thì mỗi ngày lãi từ 180 đến 200 nghìn đồng. Mức lãi như thế không nhiều nhưng được cái bây giờ người tiêu dùng chuộng sản phẩm thủ công nhà làm, sạch và an toàn nên túc tắc cũng đủ có thể sống khá.
Bà Hồ Thị Cầm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thuận Truyền, cho biết: “Bún hủ tiếu làm theo cách thức thủ công như bà Châu chỉ cần ngâm qua nước lạnh cho mềm, vớt ra để ráo, xào sơ lòng gà hoặc thịt bằm là đã dùng được, nếu có thêm một chút măng xé sợi là đúng phong vị Tây Sơn. Hủ tiếu thủ công khi chín sẽ rất mềm mà vẫn giữ được độ dai, cọng bún trong, không vón cục. Bún hủ tiếu lại no lâu nên được nhà nông rất chuộng!”.
ÁNH NGUYÊN