Tính toán đầu ra cho VÐV: Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Qua quãng thời gian cống hiến cho sự nghiệp thể thao, phần nhiều các VÐV rất chật vật hòa nhập cuộc sống sau khi giải nghệ. Ðây là một câu chuyện buồn đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có một cái kết có hậu.
Dành nhiều thời gian, sức lực cho tập luyện, thi đấu trong nhiều năm khiến việc học văn hóa của nhiều VĐV có phần hạn chế.
Có chế độ nhưng... chưa áp dụng
VĐV nghỉ thi đấu thường có 3 dạng chính: Người đã lớn tuổi, phong độ không đáp ứng khả năng cạnh tranh thứ hạng cao; người không có khả năng phát triển về chuyên môn; người bị chấn thương, không thể hồi phục. Dù rơi vào trường hợp nào, VĐV cũng phải rời môi trường tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp mà mình đã gắn bó trong khoảng thời gian nhất định. Trong đó, hầu hết VĐV đều được tuyển vào các bộ môn khi ở độ tuổi nhỏ, thời gian tập luyện và thi đấu cho đến khi nghỉ thông thường khoảng 15 năm. Sau một thời gian dài sống và làm việc trong môi trường ấy, khi rời khỏi đấu trường thể thao chuyên nghiệp, phần nhiều không có nghề phụ, cũng không được đào tạo nghề hoặc chuyên môn khác, nên họ rất chật vật cho cuộc sống của bản thân và gia đình.
“Đến nay ở tỉnh ta, Nghị định 152/2018-NĐCP vẫn chưa đến được với các VĐV!”
Ngoại trừ một số rất ít VĐV đạt thành tích cao, có đủ điều kiện, nhất là kỹ năng sư phạm được giữ lại làm công tác huấn luyện, hầu hết VĐV sau khi giải nghệ phải tự tìm công việc mới. Trong khi đó, đến nay, ngành Thể thao tỉnh ta chưa hề có chế độ hỗ trợ tìm việc làm hay khoản kinh phí nào đó nhằm giúp VĐV “chuyển đổi nghề”.
Với thể thao Bình Định hiện nay , chế độ tiền ăn, tiền công đang áp dụng cho VĐV các đội tuyển rất thấp, chỉ tạm đủ bổ sung dinh dưỡng phục vụ tập luyện, thi đấu, rất hiếm VĐV có tích lũy. Do đó, VĐV gần như phải “tự bơi” sau khi giải nghệ. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển phong trào và công tác tuyển chọn VĐV. Nhiều phụ huynh đắn đo, cân nhắc khi quyết định có nên cho con mình theo nghiệp thể thao hay không, bởi lẽ có quá nhiều VĐV từng đạt thành tích ở các đấu trường quốc gia, khi giải nghệ vẫn rất chật vật mưu sinh.
Thật ra, nếu được hưởng đầy đủ các chế độ mà Nhà nước quy định, chắc chắn các VĐV buộc phải tự mưu sinh sau khi giải nghệ sẽ ít nỗi niềm hơn. Nghị định 152/2018-NĐCP có hiệu lực thi hành từ ngày 24.12.2018 quy định rất chi tiết các chế độ dành cho VĐV, trong đó có đầy đủ các chế độ như: BHXH, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp... Ngay cả chế độ tiền công, tiền ăn của VĐV cũng cao hơn hẳn so với mức mà tỉnh ta đang áp dụng. Nếu Nghị định trên áp dụng đầy đủ, ngành Thể thao sẽ cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn đọng, trong đó có cả vấn đề giải quyết đầu ra cho VĐV. Nhưng đến nay ở tỉnh ta, Nghị định 152/2018-NĐCP vẫn chưa đến được với các VĐV!
Tháo gỡ thế nào?
Ông Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh, chia sẻ: Ngay từ khi còn là HLV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, tôi đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các VĐV học văn hóa, định hướng cho các em học đại học chuyên ngành thể thao. Vượt qua khó khăn về thời gian và sự mệt mỏi do tập luyện (một ngày 2 suất tập với khối lượng vận động lớn), áp lực về thành tích, nhiều em đã hoàn thành chương trình học. “Tuy nhiên, hiện nay nhiều VĐV có bằng đại học giáo dục thể chất nhưng vẫn không tìm được việc làm vì “cung vượt cầu”. Do đó, từ khoảng năm 2010 đến nay, ngoại trừ một số em có khả năng rất tốt được động viên học đại học, còn lại chúng tôi mạnh dạn trao đổi với VĐV và gia đình nhằm tạo điều kiện cho các em học nghề để chuẩn bị cho tương lai…” - ông Hiếu tâm sự.
Cùng có ý tưởng hướng VĐV theo học nghề để đảm bảo có cơ hội tìm được việc làm sau khi giải nghệ, ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: Tôi đã làm việc sơ bộ với một trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh, họ đồng ý cử giáo viên giảng dạy theo yêu cầu về thời gian của từng nhóm VĐV, chúng tôi có thể sẽ hỗ trợ xe đưa đón học sinh. Việc còn lại là phân tích để VĐV hiểu, chấp nhận việc học nghề trong những khoảng thời gian rảnh rỗi để đỡ lo lắng về tương lai sau giải nghệ.
HOÀNG QUÂN