Nước mắm thương hiệu Bình Ðịnh
Hiện trên thị trường Bình Ðịnh, các nhãn hiệu nước mắm địa phương như: Mười Thu, Bốn Phương, Thủy Tài, Như Hoa, Thái An, Ðề Gi, Nhơn Lý, Như Mười, Việt Thảo... đang chiếm ưu thế. Ðiều gì đã làm nên thành quả rất đáng khích lệ này?
Thị trường có hàng trăm nhãn hiệu, thương hiệu nước mắm, nước chấm công nghiệp khác nhau.
Trước đây, người tiêu dùng thường không phân biệt nước mắm pha chế công nghiệp với sản phẩm được sản xuất theo cách thức truyền thống. Đã có lúc nước mắm công nghiệp với giá bán chỉ bằng 1/3 - 1/2 giá nước mắm truyền thống, lại được tiếp sức bằng các hoạt động thúc đẩy bán hàng chuyên nghiệp nên gần như đã thống lĩnh thị trường.
Theo TS Trần Thị Dung, Chuyên gia công nghệ chế biến thủy sản và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN & PTNT): Nước mắm truyền thống không có vi trùng gây hại cho sức khỏe con người. Trong thành phần của nước mắm truyền thống chủ yếu là muối ăn bão hòa và axit amin tự do ở nồng độ cao nên không cần phải sử dụng chất bảo quản. Nhiều người tiêu dùng phàn nàn về việc nước mắm mua về ăn để lâu màu bị biến đổi, nhưng cần phải hiểu rằng đó là thuộc tính tự nhiên của nước mắm truyền thống. Tuy màu bị sẫm lại so với ban đầu, hương nước mắm có thay đổi so với khi mới mua về, nhưng nước mắm vẫn có vị ngọt và mùi đặc trưng không thể phủ nhận.
Bình Định là địa phương có năng lực chế biến nước mắm thuộc loại lớn trong cả nước. Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh, mỗi năm các DN, cơ sở trong tỉnh sản xuất hơn 256 triệu lít nước mắm. Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn cho biết: “Tôi từng thử sử dụng một số sản phẩm nước mắm công nghiệp, nước chấm quảng cáo trên ti vi nhưng các sản phẩm ấy không thể so sánh với nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống. Chỉ có điều giá nước mắm truyền thống còn cao, chất lượng đôi khi chưa ổn định”.
Nhận xét của chị Hà cũng là mối ưu tư của lãnh đạo nhiều DN sản xuất nước mắm địa phương. Gần đây, nhiều cơ sở đã đầu tư, tổ chức lại hoạt động sản xuất, xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Các nhà sản xuất lâu năm như: Bốn Phương, Mười Thu, Thủy Tài, Như Hoa liên tục thay đổi mẫu mã bao bì, tăng tính tiện dụng, khả năng cạnh tranh; sản xuất nhiều loại nước mắm với thang độ đạm thật rộng để người tiêu dùng dễ chọn. Về bao bì, khác với trước, nước mắm địa phương được đóng vào rất nhiều cỡ chai: từ loại 0,33 lít, 0,45 lít, 0,5 lít cho đến 1 lít, 2 lít, 5 lít, 10 lít; bao bì cũng được làm từ nhiều loại chất liệu: Nhựa trong, nhựa đục, thủy tinh và đủ hình dáng; nhãn hàng cũng được thiết kế bắt mắt hơn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cho biết: Làng nghề nước mắm Đề Gi có hơn 300 hộ chế biến nước mắm chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên hương vị đậm đà, thơm ngon tự nhiên, không chứa hóa chất, phụ gia thực phẩm. Các cơ sở đã đưa sản phẩm đi khắp các tỉnh tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề khai thác, đánh bắt thủy sản tại địa phương”.
Nhân viên ở cơ sở sản xuất nước mắm Thái An đang đóng gói sản phẩm.
Tuy mới xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng ông Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở nước mắm Thái An, thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát rất tự tin: Chúng tôi đã nâng cấp cơ sở, khu chiết rót, đóng chai thủy tinh để giữ hương vị, chất lượng tốt hơn. Riêng khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chúng tôi đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm thương mại trên cả nước; tham gia OCOP; tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các chợ trong và ngoài tỉnh… Tập trung gìn giữ hương vị truyền thống mà khách hàng đã tín nhiệm kết hợp nỗ lực quảng bá sản phẩm là chiến lược của chúng tôi. Việc mẫu sản phẩm nước mắm nhỉ đóng chai thủy tinh của Thái An được hệ thống siêu thị Co.opmart chấp nhận là một thành công rất lớn.
HẢI YẾN