Hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Báo cáo của Cục Thuế tỉnh, đến hết quý I/2020, toàn tỉnh có khoảng 7.200 DN và 8.000 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số DN có nguy cơ đóng cửa, phá sản, kéo theo nhiều lao động sẽ bị mất việc. Làm sao để sớm hỗ trợ nhóm DN này là việc đang được các cấp chính quyền ở tỉnh ta tích cực triển khai.
Hoạt động sản xuất tại một DN sản xuất bánh tráng của Hoài Nhơn.
Ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, cho biết, nhóm DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, các cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh là những nhân tố đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế cho địa phương; tạo ra lượng lớn việc làm ổn định, góp phần ổn định an sinh xã hội. Chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn sẽ tập trung toàn lực, triển khai hỗ trợ cho nhóm DN này. Sau khi hoàn thành số liệu thống kê, rà soát, đơn vị sẽ có nhóm nhiệm vụ, giải pháp để công tác hỗ trợ chính xác, kịp thời.
Được biết, trong tuần này, UBND TP Quy Nhơn họp Ban chỉ đạo, giao cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn tập trung từng bước tiếp cận, ghi nhận đầy đủ; nắm bắt khó khăn, vướng mắc của đơn vị, tập trung vào nhóm DN vừa và nhỏ tại địa bàn. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn, cho biết, thực hiện chỉ đạo từ Cục Thuế tỉnh, sắp tới Chi cục sẽ giao cho từng đội quản lý thuế liên phường, xã khảo sát địa bàn, nắm tình hình, tổng hợp báo cáo và hướng dẫn người nộp thuế để chuẩn bị tiếp nhận hỗ trợ.
Nhiều ngày qua, chính quyền các cấp huyện Hoài Nhơn khẩn trương vào cuộc, hỗ trợ cho các DN và người dân trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trong tình hình này, chính quyền địa phương các cấp là đầu mối để ghi nhận, tổng hợp, báo cáo khó khăn của các đơn vị lên các cấp cao hơn. Chúng tôi đã nắm rõ tình hình từng DN, báo cáo thông tin thiệt hại của DN lên cấp chính quyền cao hơn để xem xét; đồng thời kết nối, hướng dẫn để các DN ở địa phương thực hiện đúng quy trình hỗ trợ. Những ngày qua, trong thẩm quyền của mình, các cấp lãnh đạo huyện nỗ lực làm hết mình để hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh”.
Ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Hòa (xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn) một DN sản xuất bánh tráng, nước mắm, bánh dừa, kẹo dừa…, cho biết, cán bộ ngành chức năng của huyện đã làm việc với DN, ghi nhận thông tin về thiệt hại, đề xuất của DN. Chúng tôi biết khó khăn này không phải riêng mỗi DN của mình, và được sự quan tâm của chính quyền kịp thời, DN sẽ thấy được động viên để tiếp tục duy trì hoạt động.
Gian hàng sản phẩm địa phương Bình Định tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.
Với tinh thần cùng dìu nhau qua khó khăn, nhiều DN, nhà bán lẻ lớn đã tìm cách hỗ trợ đối tác. Ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Saigon Co.op Bình Định, cho biết, chúng tôi tập trung ưu tiên cho các gian hàng sản phẩm địa phương để phục vụ khách hàng; ưu tiên thanh toán sớm để các nhà cung cấp có vốn đầu tư sản xuất, tăng nhanh xoay vòng vốn. Chúng tôi có hợp đồng với hơn 30 nhà sản xuất địa phương và đang tìm mọi cách hỗ trợ họ nhiều hơn trên gian hàng cũng như quảng bá ở website, fanpage của CoopMart.
Ông Lê Văn Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khai thác & chế biến đá Bình Định, cho rằng, những công ty lớn mạnh về tiềm năng tài chính còn có khả năng xoay xở, còn những công ty nhỏ nguy cơ đóng cửa và phá sản là cao. Cho nên, trong việc đồng hành cùng DN, với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội, tôi kiến nghị các ngân hàng TMCP, các cơ quan chức năng nên tập trung, tạo điều kiện để các DN vừa và nhỏ của tỉnh, trong đó có những DN, cơ sở sản xuất của ngành đá sớm được hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi về thuế để tái sản xuất.
THU DỊU