Bảo tàng lịch sử Lenin ở Siberia: Ấn tượng khó quên đối với du khách
Shushenskoye là ngôi làng biên giới nằm ở khu vực Nam Siberia, cách thủ đô Moskva gần 5.000km về phía Đông.
Năm 1897, lãnh tụ của phong trào vô sản Nga Vladimir Illich Lenin bị chính quyền Sa hoàng lưu đày tới ngôi làng này trong thời gian 3 năm, cho đến khi được trả tự do vào tháng 2.1900.
Lenin và gia đình đã sống trong căn nhà này phần lớn thời gian bị đày đến làng Shushenskoye. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)
Từ thập niên 1970, ngôi làng này trở thành bảo tàng nổi tiếng - bảo tàng lịch sử Lenin bị đày ở Siberia. Ngày 7.11.1930, bảo tàng được khai trương tại ngôi nhà của bà Petrova với tên gọi Nhà bảo tàng Lenin. Đến năm 1939, bảo tàng chính thức được đưa vào hệ thống các bảo tàng trung ương mang tên Vladimir Ilich Lenin.
Ngày 24.4.1968, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Lenin, Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra quyết định số 275 về các biện pháp phát triển làng Shushenkoye và những địa điểm tưởng nhớ Lenin đã ở trong thời gian bị đày ở Siberia.
Theo quyết định này, Nhà bảo tàng Lenin được mở rộng 6,6ha, bao gồm khoảng 200 hạng mục xây dựng và tái bảo tồn.
Tháng 4.1970, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin, Nhà bảo tàng Lenin được đổi tên thành Bảo tàng lịch sử Lenin bị đày ở Siberia.
Từ tháng 1.1990, bảo tàng trực thuộc quản lý của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 2.1995 Tổng thống Nga Boris Elsin ký Sắc lệnh số 176 công nhận Bảo tàng lịch sử Lenin bị đày ở Siberia là di sản lịch sử liên bang và đưa vào hệ thống các khu di tích tưởng niệm cấp liên bang.
Hướng dẫn viên của bảo tàng Anna Nikolaievna kể lại ngay từ những năm đầu thập niên 1920, một số người dân làng Shushenskoe đã bắt đầu việc sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật của Lenin.
Sau khi lãnh tụ Lenin qua đời, chính quyền địa phương quyết định mua lại ngôi nhà của bà Petrova, nơi Lenin và gia đình đã sống phần lớn thời gian bị đi đày.
Ban đầu ngôi nhà này được sử dụng làm phòng đọc sách công cộng mang tên Lenin và cũng là nơi đặt trụ sở của hội đồng làng. Sau đó, dân làng quyết định xây dựng thành bảo tàng Lenin để tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu.
Chị Anna cho biết toàn bộ khuôn viên bảo tàng hiện nay có diện tích 16ha, bao gồm 29 ngôi nhà, trong số đó có 23 ngôi nhà nguyên bản được xây dựng từ cuối thế kỷ 19.
Bên trong phòng làm việc của Lenin. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)
Toàn bộ tổ hợp bảo tàng có tổng cộng 106.225 hiện vật trưng bày, được dày công sưu tầm và phục dựng qua nhiều thập niên. Những hiện vật được phân loại và bố trí thành hơn 30 bộ sưu tập với các nội dung khác nhau, gồm hiện vật lưu niệm, các đầu sách xuất bản từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, phương tiện đi lại, đồ gỗ, may mặc, ấm trà các loại, dụng cụ âm nhạc, tôn giáo tín ngưỡng, tranh vẽ, hội họa, dụng cụ nhà nông, dụng cụ săn bắn, đánh bắt cá...
Đến thăm bảo tàng, bước vào mỗi ngôi nhà, du khách có cảm tưởng như được xem những thước phim tư liệu tái hiện cuộc sống hằng ngày của Lenin, cũng như cuộc sống của người nông dân Siberia cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Mỗi ngôi nhà là một bảo tàng thu nhỏ với những hiện vật trưng bày độc đáo riêng và để lại ấn tượng khó quên cho những người tới thăm.
Trải qua biến cố của lịch sử, những hiện vật được trân trọng lưu giữ tại bảo tàng là tài sản văn hóa quý giá được lưu truyền cho thế hệ sau.
Năm nay bảo tàng sẽ tổ chức 2 sự kiện lớn - kỷ niệm tròn 150 năm ngày sinh lãnh tụ Lenin (22.4.1870-22.4.2020) và 90 năm thành lập bảo tàng đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười (7.11.2020).
Theo Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)