Chống khai thác IUU: Nhiều hoạt động phối hợp, rà soát, giám sát
Thời gian qua, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) của Bình Ðịnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, được Trung ương đánh giá cao. Ðể phát huy kết quả này, tỉnh đang tiếp tục tăng cường nhiều hoạt động phối hợp, rà soát, giám sát; nỗ lực để chuyển biến nhận thức trong ngư dân bền vững hơn.
Thay đổi nhận thức, tăng cường giám sát
Tính đến ngày 15.4, cả tỉnh có 3.040/3.143 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt 96,7%. Trong số 103 tàu chưa lắp đặt thiết bị, có 33 chủ tàu đã đăng ký kế hoạch và đang chờ lắp đặt, 70 chủ tàu không đăng ký lắp đặt. Sau nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến chính sách, đến nay, ngư dân tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tốt trong nhận thức.
Lực lượng BĐBP tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá Quy Nhơn.
Ngư dân Nguyễn Hoàn, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chủ 4 tàu câu cá ngừ đại dương, chia sẻ: “Theo quy định, tàu cá làm nghề câu cá ngừ đại dương phải lắp thiết bị GSHT trước ngày 1.4.2020 mới đủ điều kiện hoạt động, nên cuối năm 2019 tôi đã cho lắp thiết bị trên 4 tàu cá của mình. Tôi đã nghe chính quyền và ngành chức năng phổ biến đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thủ tục đăng ký xuất nhập cảng theo luật định và cả lý do vì sao phải như vậy, nên khi thoải mái về tư tưởng, tôi vui vẻ chấp hành”.
Để tăng cường giám sát tàu cá, Sở NN&PTNT đã phân quyền kiểm soát 11 tài khoản hệ thống GSHT của tỉnh cho UBND các huyện, thành phố ven biển, các sở, ngành, đơn vị có liên quan, tất cả các bên sẽ cùng theo dõi, phối hợp quản lý tàu cá, xử lý vi phạm theo quy định.
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), cho hay: “Trung bình mỗi mùa trăng, có khoảng 1.000 lượt tàu của ngư dân trong và ngoài tỉnh cập cảng cá Tam Quan. Việc theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu GSHT được Sở NN&PTNT phân quyền tạo nhiều thuận lợi cho chúng tôi trong việc quản lý tàu cá ra vào cảng. Thông qua dữ liệu trích xuất từ hệ thống, chúng tôi kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị cảnh báo vi phạm để không thực hiện thủ tục xuất nhập cảng, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chuyển ngành chức năng xử lý”.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh ta có 42 tàu cá/311 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, UBND tỉnh đã xử phạt hành chính 11/42 trường hợp vi phạm với số tiền 935 triệu đồng (85 triệu đồng/trường hợp) và 4/42 trường hợp vi phạm sau ngày 5.7.2019 theo Nghị định 41 của Chính phủ với số tiền 3,6 tỷ đồng (900 triệu đồng/trường hợp). 27 trường hợp vi phạm còn lại, ngành chức năng đang xác minh, củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, các trường hợp vi phạm còn bị thu hồi vĩnh viễn giấy phép khai thác thủy sản (KTTS), cắt chế độ hỗ trợ nhiên liệu; kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo hồ sơ quản lý của ngành NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 1.826 tàu cá không phép. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản gửi thông báo danh sách này về các địa phương, yêu cầu các chủ tàu đăng ký thực hiện thủ tục cấp giấy phép tàu cá theo quy định. Trong thời hạn 1 năm, nếu chủ tàu nào không thực hiện các thủ tục xin phép KTTS thì sẽ bị xóa số hiệu đăng ký tàu cá. Riêng các trường hợp chủ tàu cố tình không lắp thiết bị GSHT, Chi cục Thủy sản thu hồi giấy phép KTTS, không cho các tàu cá chưa lắp thiết bị GSHT ra khơi”.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định IUU cho ngư dân. Vận động ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định; tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá thiếu giấy tờ, tàu giã cào hoạt động KTTS, ra vào cảng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Xuất khẩu thủy sản liên quan rất lớn đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Pháp luật của ta đã quy định rõ ràng, hơn nữa đó còn là cam kết của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế, phải thấy vậy để khẩn trương chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), phải làm quyết liệt hơn nữa để khắc phục triệt để những tồn tại trong công tác chống khai thác IUU. Chúng ta hỗ trợ tối đa để ngư dân vươn khơi bám biển, lao động sản xuất nhưng cùng với đó bản thân bà con ngư dân cũng phải tuân thủ pháp luật. Ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm, không thể du di được”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN