Chữ Braille, cơ hội & hy vọng của người khiếm thị
Với người khiếm thị, việc biết chữ Braille cũng quan trọng như người bình thường biết chữ, nếu không muốn nói là quan trọng hơn nhiều. Ở Bình Ðịnh mấy năm gần đây, những lớp dạy chữ Braille đã đem lại cơ hội và hy vọng cho nhiều người khiếm thị.
Những nấc thang hy vọng
Anh Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: Hội thành lập năm 2009, ngay sau khi ra đời, ngoài việc chăm lo, giúp đỡ hội viên, Hội còn chú trọng đến việc dạy chữ Braille để người mù chỉ còn thiệt thòi về phần nhìn, còn những hoạt động như làm việc, giải trí, đọc sách báo vẫn được như người bình thường. Biết chữ Braille là yếu tố then chốt, tạo cầu nối dẫn đến với các nội dung, hoạt động hữu ích khác.
Lớp học chữ Braille do Hội Người mù tỉnh tổ chức.
Lúc mới thành lập Hội, cả tỉnh chỉ có vài người biết chữ Braille. Dù vậy, cán bộ Hội đã chủ động tìm đến những người biết chữ Braille đề nghị họ dạy lại cho người khác. Năm 2011, Hội xin Sở LĐ-TB&XH tạo điều kiện để triển khai dự án mở lớp vừa dạy chữ Braille vừa dạy nghề cho 20 người. Năm 2012, Hội lại xin được từ Hội Người mù Việt Nam dự án nâng cao kỹ năng sống cho người mù. Dự án này có nhiều nội dung thiết thực, trong đó có hạng mục dạy chữ Braille. 3 học viên xuất sắc nhất của lớp được hỗ trợ để đi Hà Nội học lớp đào tạo trở thành giáo viên dạy chữ Braille.
Anh Phan Đình Việt (quê ở huyện Tây Sơn, có 1 cơ sở massage ở đường Ỷ Lan, TP Quy Nhơn), chia sẻ: Ban đầu việc học chữ Braille hơi khó một chút nhưng niềm vui đọc được sách báo, tài liệu lớn hơn rất nhiều. Bắt đầu từ việc biết chữ, cuộc đời tôi thay đổi rất nhiều, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi mình vẫn có thể sống tốt như những người bình thường.
Chị Mai Thị Bích Thu, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, kể: Người đi học vui đã đành mà người đứng lớp cũng rất mừng, bởi chúng tôi hiểu khi những người cùng cảnh ngộ sở hữu một công cụ như chữ Braille, cuộc đời họ chắc chắn sẽ khác. Nhiều năm đã trôi qua nhưng giờ nhắc lại chuyện này ai cũng hạnh phúc!
Những người mù, khiếm thị từng học chữ Braille đều khẳng định, khi biết chữ Braille, việc tiếp cận mọi thứ trong cuộc sống trở nên dễ dàng, thông suốt hơn rất nhiều.
Can thiệp sớm cho trẻ
Một điều đáng tiếc là hầu hết cha mẹ các em khiếm thị bẩm sinh lại xác định chăm sóc mọi thứ cho con họ cả đời. Vì vậy, mỗi khi nghe tin ở đâu có trường hợp như thế, Hội Người mù tỉnh tìm cách tác động để thay đổi nhận thức của họ.
Chị Thu chia sẻ thêm: Ở Bình Định hiện chưa có nhiều điều kiện chăm sóc, dạy trẻ khiếm thị nên chúng tôi gửi vào các tỉnh, thành khác để các cháu bắt đầu việc học từ hệ mầm non như những trẻ bình thường. Hiện đang có 30 cháu đang đi học tại các trường chuyên biệt và hòa nhập. Đến nay có những cháu ngoan ngoãn, học rất tốt, có cháu còn tốt nghiệp đại học và đang làm giáo viên.
Em Võ Dương Gia Hân, ở huyện Vĩnh Thạnh, đang học lớp 5, Trường Tiểu học Long An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), bộc bạch: Năm 2014, con may mắn được Hội đưa đi học tại Mái ấm Khiếm thị Long Thành (thuộc Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng, tỉnh Đồng Nai). Do con vẫn còn nhìn thấy một ít nên vừa học được chữ bình thường vừa được học chữ nổi Braille. Ít lâu sau, con được học ở trường hòa nhập với các bạn sáng mắt. Từ lớp 1 đến lớp 4, năm nào con cũng đạt học sinh giỏi. Ngoài việc học trên lớp, con còn được học nhiều kỹ năng sống, tin học, đàn organ, sáo trúc, ca hát.
“Nhiều người mù, khiếm thị, nhiều cha mẹ của trẻ khiếm thị không hình dung được rằng chỉ cần biết chữ thôi, các em sẽ có một cuộc sống khác, một cuộc sống bình thường như mọi người. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều dự án hỗ trợ hơn nữa để tiếp tục thắp lên những cơ hội, hy vọng cho người mù, khiếm thị”, chị Thu bày tỏ.
THẢO KHUY