Mở rộng hệ thống cấp nước sạch ở nông thôn
Tăng cường công tác quản lý, mở rộng hệ thống cấp nước của các công trình cấp nước tập trung, nâng cao chất lượng nước là những giải pháp quan trọng được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) triển khai, nhằm đáp ứng yêu cầu về nước sạch của người dân ở khu vực nông thôn trong mùa nắng nóng.
Trong số 126 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) có tổng công suất thiết kế gần 45.000 m3/ngày đêm đã xây dựng ở khu vực nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) quản lý, vận hành 7 công trình quy mô lớn tại các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn với tổng công suất thiết kế hơn 21.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 42.240 hộ dân. Thực tế cho thấy, các CTCN do đơn vị này quản lý vận hành đúng quy trình, hoạt động tốt, chất lượng nước đảm bảo, nên được người dân tin dùng.
Trung tâm NS&VSMTNT lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ Nhà máy cấp nước Phước Sơn, huyện Tuy Phước đến khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ở thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Khi chưa có CTCN Phước Sơn, chúng tôi thường lấy nước giếng bị nhiễm phèn rồi lắng lọc bằng cát và than để dùng. Vào mùa khô, phải đi mua nước ở xa với giá cao, mất nhiều công sức và tốn kém tiền bạc. Nay, nước sạch đã về tận nhà, giá nước khá rẻ, nên chúng tôi có điều kiện để dùng nước sạch”. Từ khi có CTCNTT Cát Nhơn, huyện Phù Cát, hoạt động sản xuất kinh doanh của ông Lê Minh Tâm, ở xã Cát Nhơn cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. “Gia đình tôi sản xuất bánh tráng bằng máy, nên cần nhiều nước. Trước đây, không có nước sạch phải dùng nước giếng bị nhiễm phèn nặng, tốn nhiều công sức lắng lọc, nhưng màu sắc và chất lượng bánh không như mong muốn. Từ khi có CTCN Cát Nhơn, tôi đã giải quyết được vấn đề trên, hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, khách hàng đặt bánh nhiều, nên doanh thu cao hơn trước”, ông Tâm cho hay.
Theo ông Nguyễn Tấn An, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm NS&VSMTNT, trước nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng tăng, Trung tâm đã khoan thêm giếng, nâng công suất các nhà máy và mở rộng hệ thống đường ống dẫn nước đến các hộ dân. Bên cạnh đó, xử lý tốt nguồn nước, đảm bảo chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 01:2018 của Bộ Y tế trước khi cung cấp cho dân. Hiện trừ CTCNTT xã Mỹ Chánh (UBND tỉnh giao cho huyện Phù Mỹ quản lý đầu tháng 4.2020), 6 công trình còn lại đã chạy hết công suất, số hộ hợp đồng sử dụng nước sạch lâu dài với Trung tâm đã tăng lên 45.106 hộ dân. “Có nhiều hộ dân tiếp tục đăng ký sử dụng nước từ các công trình do Trung tâm quản lý, nhưng các nhà máy đã chạy hết công suất. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Trung tâm đã kiến nghị Sở NN&PTNT và UBND tỉnh cho phép đơn vị khoan thêm giếng nhằm bổ sung nguồn nước cho các nhà máy để cấp cho dân trong mùa khô năm 2020”, ông Nguyễn Tấn An cho biết thêm.
Người dân thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước đã được sử dụng nước sạch từ CTCNTT Phước Sơn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Ngày 23.3.2020, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đồng ý về chủ trương cho Sở NN&PTNT đầu tư bổ sung nguồn nước thô và cải tạo, sửa chữa các nhà máy cấp nước sinh hoạt: Phước Sơn, Nhơn Tân, Phù Cát, Đông Nam huyện Hoài Nhơn, để cấp nước cho người dân trong mùa khô năm 2020. Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để trong tháng 4 này có thể khoan thêm giếng bổ sung nguồn nước thô cho các nhà máy và xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước đến các khu dân cư”.
Cùng với việc đầu tư nâng cao công suất các nhà máy cấp nước, Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Trung tâm NS&VSMTNT điều động thêm cán bộ kỹ thuật tại các nhà máy để lắp đặt thêm đường ống dẫn nước về nhà dân khi người dân có nhu cầu. Thường xuyên kiểm tra, gia cố các công trình đầu mối, đường ống có nguy cơ bị hư hỏng, nhất là đoạn đường ống qua các cầu, cống, hạn chế thấp nhất lượng nước bị thất thoát. Kiểm tra lại hệ thống điện, hệ thống xử lý nước, nhà kho chứa hóa chất… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo quản lý, bảo vệ và vận hành tốt các CTCNTT tất cả các mùa trong năm. Bên cạnh đó, tiến hành theo dõi, xử lý tốt nguồn nước trước khi cấp cho người dân.
PHẠM TIẾN SỸ