Chuyện dạy học trực tuyến
Ở tỉnh ta, việc học trực tuyến không bắt buộc nhưng vẫn khuyến khích để ôn bài cho học sinh và vẫn tạo được không khí học tập. Nhiều trường lên thời khóa biểu cụ thể từng môn học, thể hiện tinh thần phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Nhiều giáo viên có kỹ năng, hiểu biết về công nghệ, đặc tính phần mềm, lớp học diễn ra khá trơn tru.
Tuy nhiên vì học trực tuyến miễn phí, lớp học đông học sinh, các phần mềm học trực tuyến không thể “gánh” quá số lượng. Một số phần mềm còn quy định thời gian hoạt động. Nhiều giáo viên đã không tìm hiểu chi tiết, đặc tính của phần mềm nên chuyện lớp học có giáo viên mà không có học sinh hay đã có đủ học sinh mà giáo viên không biết là chuyện khá phổ biến. Có những lớp khi giáo viên và học sinh đông đủ thì hết thời gian của chương trình. Giáo viên không biết cách tắt micro nên lớp học ồn ào đủ các loại âm thanh. Đó là chưa kể nhiều tình huống dở khóc dở cười khác. Cứ thế người học, người dạy vật vã cả buổi mới xong một lượng kiến thức nhỏ.
Dẫu biết việc học trực tuyến chỉ dừng ở mức khuyến khích và hâm nóng tinh thần cho học sinh nhưng qua đây cũng cho thấy có nhiều giáo viên (trong đó có các giáo viên trẻ) chưa sẵn sàng tiếp cận với một số ứng dụng công nghệ có nhiều liên quan đến chuyên môn của mình.
Hy vọng, bên cạnh chuyên môn, giáo viên sẽ trau dồi nhiều hơn để không quá lúng túng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nhắc nhở: Để vững vàng trên bục giảng, thầy cô khi đến lớp không chỉ vững về kiến thức, kỹ năng mà phải sáng tạo, muốn có sự tiến bộ thì phải cố gắng cập nhật những gì còn thiếu. Đừng nghĩ mình là giáo viên rồi, đi dạy rồi thì không cần phải học gì nữa!
ĐỖ THẢO