Giải pháp canh tác hiệu quả cây mè
Bình Định có diện tích sản xuất cây mè tương đối lớn trên 2.157 ha (năm 2018). Tuy vậy, do kỹ thuật canh tác trong sản xuất và thâm canh chưa hợp lý, năng suất bình quân chỉ đạt 9 tạ/ha. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành trồng trọt của tỉnh đến năm 2020 và định hướng năm 2030 tăng diện tích trồng mè lên 3.500 - 4.000 ha.
Mô hình trồng mè trên đất lúa chuyển đổi tại xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn).
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp các địa phương chỉ đạo tập trung chuyển đổi cây trồng cạn nói chung, trong đó có cây mè trên chân đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Cây mè có khả năng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, ít đòi hỏi thâm canh; sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ. Diện tích trồng mè tập trung ở các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn. Tuy nhiên, những vùng đất lúa đang quy hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn ở các huyện trên chủ yếu là đất xám bạc màu hoặc đất xám pha cát, nghèo dinh dưỡng, khiến năng suất cây vừng đạt thấp. Một phần nguyên nhân khác là giống mè gieo trồng lâu năm dần thoái hóa và tập quán bón phân chưa phù hợp.
Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật canh tác trong sản xuất mè trên đất lúa chuyển đổi để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu thực hiện tại 2 xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) và xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn).
ThS Lê Quang Tình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết, các giải pháp kỹ thuật canh tác được xây dựng gồm: Thay đổi giống cây trồng, kỹ thuật canh tác và phân bón. Cụ thể, thay đổi giống mè truyền thống V6 và mè đen địa phương sang giống mè V36 được xem là giải pháp tối ưu nhất, bởi giống V36 có thời gian sinh trưởng phù hợp. Biện pháp kỹ thuật canh tác áp dụng tổng hợp lên luống, sạ hàng và tưới nước, thay vì gieo hạt truyền thống như lâu nay. Bên cạnh đó, điều chỉnh lại lượng phân đạm và kali cho cây.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, giống mè V36 trồng trên đất lúa chuyển đổi, được bón phân đạm và kali cho năng suất cao nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao; cụ thể năng suất từ 9,6 - 10,2 tạ/ha (năm 2018) tăng lên 12,3 - 12,9 tạ/ha (năm 2019), cao hơn giống mè đen từ 0,5 - 0,8 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế của giống mè V36 cũng cao hơn khoảng 3 triệu đồng/ha. Từ kết quả nghiên cứu khả quan này, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất mè trên chân đất lúa chuyển đổi và chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến nông dân.
KHÁNH LINH