Nhiều quy định mới, gỡ vướng cho thi hành án dân sự
Ông Nguyễn Xuân Hồng
Từ ngày 1.5, Nghị định 33/2020/NÐ-CP ngày 17.3.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NÐ-CP ngày 18.7.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nguyễn Xuân Hồng đã trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh một số vấn đề xung quanh nghị định này.
● Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Năm 2019, công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); việc thụ lý, ra quyết định thi hành án đảm bảo đúng quy định của pháp luật; công tác phân loại án được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kết quả phân loại tương đối chính xác; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, kết quả thi hành về việc đạt tỷ lệ 80,4%, về tiền đạt gần 35% (vượt 7,4% về việc, gần 1% về tiền) so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao. Công tác THADS tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế nhất định, một số vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn chưa có chuyển biến đáng kể, nhất là các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng đã tác động trực tiếp đến kết quả thi hành án nói chung.
● Công tác thi hành án dân sự vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc?
- Đúng vậy. Quá trình tổ chức thi hành án, việc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án ở các cơ quan THADS trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tài sản đã kê biên nhưng chưa xử lý được, do tính pháp lý đối với một số tài sản thế chấp chưa rõ ràng; phải xử lý tài sản trên đất trước khi xử lý quyền sử dụng đất thế chấp; tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất giữa thực tế và giấy tờ có sự khác nhau cơ bản về hiện trạng, diện tích; đất đang có tranh chấp hoặc một phần diện tích đất thế chấp nằm trong phần quy hoạch, mở rộng hành lang đường bộ không thể xử lý. Tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, nhiều trường hợp bán đến lần thứ 11 vẫn chưa có người mua; một số tài sản là quyền sử dụng đất thuê, nhà xưởng sản xuất và các dây chuyền, trang thiết bị sản xuất chuyên dụng bán không có người mua. Chưa kể, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18.7.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS đã phát sinh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án. Những vướng mắc nói trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thi hành án loại này thấp, kéo dài, thậm chí có trường hợp không thể xử lý được.
Nghị định 33 sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn các cơ quan THADS đang gặp phải trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
- Trong ảnh: Một vụ cưỡng chế tháo dỡ, di dời tài sản để giao đất cho người được thi hành án do Chi cục THADS TP Quy Nhơn thực hiện.
● Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và có hiệu lực thi hành vào ngày 1.5 tới. Nghị định này giúp ích gì cho công tác THADS hiện nay, thưa ông?
- So với Nghị định 62, Nghị định 33 có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn hơn. Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung 17 nội dung của Nghị định 62, phần lớn tập trung vào các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức THADS. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 33 là quy định rõ hơn về việc từ chối yêu cầu thi hành án. Cụ thể, cơ quan THADS được từ chối yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án.
Nghị định 33 cũng quy định rõ hơn trong việc xử lý đối với những trường hợp đương sự cố tình gây cản trở, khó khăn cho công tác thi hành án. Theo đó, trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để xác minh, kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định 33 cũng bổ sung nội dung người phải thi hành án có các giao dịch về tài sản mà không dùng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không có tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để thi hành án. Theo đó, nếu tài sản đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn (trong tố tụng hình sự), biện pháp khẩn cấp tạm thời (trong tố tụng dân sự), biện pháp đảm bảo thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án nhưng người phải thi hành án có các hành vi liên quan đến giao dịch tài sản thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án (Nghị định 62 quy định kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật - PV). Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người phải thi hành án có các hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Nghị định 33 cũng đã bổ sung quy định về bảo quản tài sản trong thi hành án. Theo đó, trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản theo quy định thì Thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản đề nghị UBND cấp xã phối hợp, hỗ trợ bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản. Quy định này góp phần tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương trong những trường hợp cá biệt, việc bảo quản tài sản gặp khó khăn.
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)