Ưu tiên ngân sách cho phòng, chống dịch Covid-19
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt kết quả tốt nhất, tỉnh ta đã ưu tiên ngân sách, sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, cắt giảm nhiều khoản chi thường xuyên.
Trước tiên, Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định sử dụng trên 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Sở đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách theo phân cấp để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Cắt giảm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho ngành y tế và các đơn vị liên quan mua sắm vật dụng, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh.
- Trong ảnh: Hóa chất cấp cho các địa phương, đơn vị thực hiện khử khuẩn, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch Covid-19. ẢNH: THU HIỀN
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các khoản kinh phí chi thường xuyên năm 2020, khoản nào “cần” mà chưa “thiết” thì giảm bớt, các khoản chưa cần thiết như chi hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham quan, học tập kinh nghiệm, chi phí công tác... dù đã lên kế hoạch nhưng chưa thực hiện cũng phải cắt ngay, chuyển sang cấp cho công tác phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ DN, đồng bào gặp khó khăn. Đến nay, ngân sách tỉnh đã cắt giảm hơn 27 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 20 tỷ đồng”.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính vào cuộc kịp thời, phối hợp thực hiện việc điều chỉnh giảm các khoản phí, lệ phí, giá dịch vụ thiết yếu thuộc thẩm quyền của tỉnh. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Công ty CP Cảng Quy Nhơn, điều chỉnh giảm giá một số dịch vụ cảng biển (từ ngày 1.4 - 31.5.2020). Trong thời gian đến, Sở tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giảm các khoản phí, lệ phí, giá dịch vụ thiết yếu thuộc thẩm quyền của tỉnh một cách hợp lý để khẩu hiệu “Đồng hành cùng các DN, người dân đối phó dịch bệnh Covid-19” thực sự là cam kết của Đảng - Nhà nước chứ không phải là nói suông.
Trong quý II/2020 và 6 tháng còn lại của năm 2020, dự báo những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh. Và điều chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020.
Ông Lê Hoàng Nghi cho biết: Trước những khó khăn đó, với vai trò là cơ quan tham mưu điều hành ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính tiếp tục chủ động rà soát, tiết kiệm chi; điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tuân thủ dự toán ngân sách đã được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế dự báo tình hình sụt giảm nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kể cả các nguồn thu do thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để đề xuất kế hoạch khai thác triệt để các nguồn thu có khả năng khai thác được nhằm bù đắp các khoản thu bị giảm, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020. Tại thời điểm hiện nay, tôi nghĩ chưa đến mức đề xuất giảm chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020”.
Theo quy định tại Quyết định số 437/QÐ-TTg ngày 30.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ, tỉnh Bình Ðịnh thuộc nhóm các địa phương được ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ðối với phần kinh phí còn lại, ngân sách địa phương sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn và các chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
THU DỊU