Hoạt động của các CLB bài chòi dân gian: Hướng đến phát triển chiều sâu
Bài chòi dân gian Bình Ðịnh có đóng góp quan trọng trong nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðể góp phần bảo tồn và phát huy di sản, việc xây dựng CLB bài chòi dân gian ở nhiều địa phương trong tỉnh là cần thiết.
Ngày càng có nhiều CLB bài chòi dân gian
CLB bài chòi dân gian (BCDG) là nơi tập hợp các hạt nhân ở địa phương để cùng tham gia công tác bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi dân gian. Địa phương có nhiều CLB BCDG nhất hiện nay là huyện Hoài Nhơn, với tất cả 17/17 xã, thị trấn đều có CLB.
CLB bài chòi huyện Phù Cát tham gia Liên hoan các CLB nghệ thuật bài chòi tỉnh lần thứ 2 - năm 2019.
Tại các huyện Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn, mỗi nơi đều đã thành lập một CLB BCDG. Gần đây nhất, huyện Phù Cát đã cho ra mắt 2 CLB BCDG vào trước Tết Canh Tý 2020 và tổ chức hội đánh bài chòi dân gian phục vụ bà con vui xuân. Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Cát Phạm Ngọc Thanh cho biết: “CLB BCDG ở xã Cát Hưng có thuận lợi lớn là được Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức, người sống ở địa phương, trực tiếp hướng dẫn. CLB BCDG xã Cát Hanh cũng do một hạt nhân trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống, có khả năng hô hát bài chòi tốt của huyện là nghệ nhân Hoàng Kiều góp công gầy dựng, đồng thời địa phương đã vận động xã hội hóa thành công việc xây dựng hệ thống chòi”.
“Ðể làm tốt vai trò hiệu trong hội đánh bài chòi dân gian không hề đơn giản, bên cạnh nỗ lực học hỏi thêm qua tập huấn thì cũng cần được tham gia làm hiệu nhiều hơn trong các hội bài chòi để kích thích tập luyện và tích lũy dần kinh nghiệm. Nguồn kinh phí cho CLB BCDG ở các xã còn hạn hẹp, mong các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh quan tâm hơn đến hình thức hỗ trợ nhằm khắc phục hạn chế này”.
Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức
Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện trước mắt, Phòng VH-TT TP Quy Nhơn đang hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị UBND TP Quy Nhơn xem xét cho thành lập CLB BCDG của phường Trần Hưng Đạo và 2 xã Nhơn Hải, Nhơn Châu, cùng CLB BCDG của thành phố.
Huyện Tuy Phước cũng đang trong quá trình làm thủ tục để thành lập các CLB bài chòi. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú, người đã tham gia tổ chức, làm hiệu trong nhiều hội đánh bài chòi dân gian trong tỉnh, chia sẻ: “Qua nắm bắt thực tế hoạt động phong trào của hạt nhân ở các xã trên địa bàn huyện, chúng tôi đã đề xuất các cấp lãnh đạo xem xét thành lập CLB dân ca bài chòi ở hai xã Phước Sơn, Phước Nghĩa - những nơi đáp ứng yêu cầu về lực lượng. Ngoài ra, tập hợp nghệ nhân rải rác ở các xã khác tham gia CLB dân ca bài chòi Tuy Phước. Nếu được UBND huyện chấp thuận thành lập, hoạt động trọng tâm của 3 CLB này là bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi dân gian”.
Cần quan tâm đến hiệu quả hoạt động
Dù số lượng nhiều, rải đều và hoạt động khá sôi nổi nhưng hiện nhiều CLB BCDG gặp nhiều khó khăn về hoạt động, năng lực của hiệu, nhạc công chưa được cải thiện nhiều, ít tổ chức được các hội đánh bài chòi dân gian lớn, thu hút đông người dân, mà chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ “sinh hoạt nội bộ”. Nghệ nhân Lý Thành Long, người tích cực tham gia gầy dựng các CLB BCDG ở huyện Hoài Nhơn, nhìn nhận: “Để phát triển mạnh hơn, tôi nghĩ các CLB cần được hỗ trợ đầu tư lâu dài, nâng cao khả năng diễn xướng của các anh, chị hiệu, nhất là khả năng ứng tác ngẫu hứng để thể hiện được cái hay, cái đẹp mỗi câu thai, tạo sức cuốn hút người xem”.
Từ nhiều nỗ lực học hỏi, kinh nghiệm làm hiệu và tham gia chia sẻ, hướng dẫn lại cho lực lượng hiệu ở các địa phương trong tỉnh, nghệ nhân Hoàng Việt trăn trở: “Thành viên các CLB BCDG cần được học hỏi, nâng cao thêm về kiến thức, kỹ năng diễn xướng để có thể tham gia tích cực hơn, đóng góp nhiều hơn trong công tác bảo tồn các giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định chứ không phải chỉ riêng hội đánh bài chòi. Phần lớn các hiệu chỉ mới dừng lại ở mức rút thẻ và hô; sau giai đoạn hô hát thuần thục họ cần hỗ trợ nhiều hơn để hiểu cặn kẽ, bài bản và có hệ thống những nét đặc sắc của bài chòi cổ...”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai một số nội dung để hỗ trợ kinh phí từ nguồn xã hội hóa cho các CLB BCDG, ngày 8.4 vừa qua, Sở VH&TT đã có văn bản đề nghị Phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách các CLB BCDG hiện có trên địa bàn để Sở tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét mức hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, qua tham khảo của chúng tôi đối với một số cán bộ, nghệ nhân ở các địa phương, họ cho rằng cần đánh giá hiệu quả hoạt động của từng CLB BCDG để có mức hỗ trợ phù hợp theo đóng góp thực tế, tránh “bình quân chủ nghĩa”. Hơn nữa, nên tính toán xã hội hóa mạnh hơn để tổ chức, hỗ trợ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn, hội thi, hội đánh bài chòi dân gian ở các địa phương... nhằm vừa tiếp sức, khuyến khích các CLB BCDG thi đua hoạt động, đưa bài chòi lan tỏa sâu vào đời sống.
HOÀI THU