Bảo vệ tôm nuôi trong mùa nắng nóng
Ðến thời điểm này, người nuôi tôm nước lợ trong tỉnh đã thả nuôi trên hơn 1.959 ha, chiếm 91% diện tích nuôi tôm hiện có của tỉnh. Người nuôi tôm cũng đang triển khai các giải pháp để ổn định môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Anh Đặng Văn Toàn, ở thôn Xuân Bình Nam, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3 ao trải bạt/2.400 m2. Anh Toàn cho biết: “Để cân bằng độ mặn, chống khô cạn, đảm bảo đủ nước cho tôm, tôi phải bơm nước thêm từ 2 giếng khoan vào ao nuôi. Còn khoảng 1,5 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch, nên mình phải theo dõi thật kỹ, chủ động giữ ổn định mực nước, tăng cường chạy máy sục khí trong ao để đảo nước, tạo oxy, theo dõi tôm thường xuyên để cho ăn phù hợp”.
Người nuôi tôm ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ chủ động các biện pháp bảo vệ tôm nuôi trong mùa nắng nóng.
Đang kiểm tra tôm nuôi tại 2 ao 10.000 m2 nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình, ông Nguyễn Hớn, ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), bộc bạch: “Tôi thả tôm giống từ tháng 3.2020 theo lịch thời vụ. Việc nuôi tôm bây giờ được hỗ trợ từ phía các ngành chức năng khá nhiều, tôi được hướng dẫn, thường xuyên nhận cảnh báo của ngành chức năng, như dùng men vi sinh để trộn vào thức ăn nhằm tăng cường đề kháng cho tôm; lượng thức ăn cho tôm với mật độ vừa phải theo chu kỳ phát triển của tôm nuôi; giữ ổn định môi trường nước trong ao”.
Đến nay, người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước đã thả nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích hơn 971 ha, trong đó có khoảng 90 ha nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến, xen canh. Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Mặc dù người nuôi tôm áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chức năng, thả nuôi đúng lịch thời vụ nhưng từ ngày 12 - 13.4, đã xảy ra mưa lớn khiến môi trường nước trong ao nuôi bị biến đổi, phát sinh dịch bệnh tôm tại vùng nuôi thôn Kim Đông (xã Phước Hòa), Đông Điền (xã Phước Thắng). Hiện chúng tôi phối hợp các địa phương, ngành chức năng tỉnh kiểm tra, thống kê diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp xử lý dịch bệnh”.
“Nắng nóng kéo dài, các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm trong ao nuôi sẽ biến đổi, dễ xuất hiện bệnh tôm do vi rút, vi khuẩn gây ra, như: Bệnh do môi trường, bệnh đốm trắng. Ðể chủ động phòng ngừa dịch bệnh, người nuôi tôm cần duy trì mực nước ao nuôi hợp lý từ 1,2 m trở lên để giữ nhiệt độ ổn định, giúp tăng không gian để tôm sinh trưởng; tăng cường chạy máy sục khí để giữ ổn định môi trường ao nuôi; không để thức ăn thừa trong ao nuôi; dùng men vi sinh và khoáng chất để tăng đề kháng cho tôm; chống biến đổi đáy ao”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT)
Do thời tiết cực đoan, biến động thất thường, biên độ nhiệt rộng, cả tỉnh hiện có 5,51 ha tôm nuôi bị bệnh; trong đó diện tích tôm bị bệnh do môi trường là 5,2 ha, còn lại là diện tích tôm nuôi bị bệnh đốm trắng. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y và ngành chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật giúp người nuôi tôm kịp thời xử lý dịch bệnh để đảm bảo mang lại hiệu quả vụ nuôi tôm này.
Cùng với yếu tố thời tiết, do năm ngoái không có lũ nên các chất thải tại các vùng nuôi không được rửa trôi mà tích tụ lại, khiến mầm bệnh rất dễ phát sinh. Hiện tôm nuôi theo lịch thời vụ tại các vùng nuôi trong tỉnh đã thả nuôi từ 1,5 - 2 tháng (tùy vùng), giai đoạn này tôm đang sinh trưởng đạt kích cỡ thương phẩm. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Võ Đình Tâm tư vấn: Người nuôi tôm cần hết sức chú ý thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng để bảo vệ tôm. Nhất là khi phát hiện dịch bệnh, bà con phải kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương, ngành chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng rộng đến cả vùng nuôi.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN