Nông dân “không giấu nghề”
Mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Phước An (huyện Tuy Phước) khu vực gần chân núi Sơn Triều tập trung phát triển kinh tế vườn rừng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cách làm này không chỉ tạo ra nhiều việc làm ổn định, mà còn phát huy lợi thế đất rộng, gần rừng, mang lại thu nhập khá, một số người còn vươn lên làm giàu, điển hình ông Võ Hữu Nhân, 60 tuổi, ở thôn Đại Hội.
Ông Võ Hữu Nhân chăm sóc bò
Ông Nhân chia sẻ: Gia đình tôi có 9 ha đất rừng, gồm 7 ha được Nhà nước cấp quyền sử dụng, 2 ha mua thêm, tôi trồng bạch đàn cao sản đỏ, keo trên cả 9 ha ấy. Vốn ít nên cứ 3 - 5 năm tôi thu hoạch 1 lần để lấy ngắn nuôi dài. Cùng với đó, tôi nuôi bò vỗ béo. Tôi mua bê con giống Red Angus chừng 5 tháng tuổi về, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ và nuôi thật kỹ. Giống bò này lớn rất nhanh, chừng 1 năm là đã lên tới khoảng 400 kg/con. Năm vừa rồi tôi nuôi và bán 10 con, lãi được 70 triệu đồng. Hiện tôi đang nuôi 10 con bò khác để cuối năm sẽ xuất bán.
Cùng với bò, gia đình ông Nhân còn nhận nuôi theo hình thức gia công cho DN 1.000 con gà, 1.000 con vịt siêu trứng. Với đàn gia cầm này, ông Nhân tạo ra thêm 3 việc làm thường xuyên với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phan Thị Thanh Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An, chia sẻ: Ông Nhân hiện là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Điểm nổi trội là ông chịu khó cập nhật kiến thức, hăng hái học hỏi những kỹ thuật mới phục vụ sản xuất, sau đó chắt lọc những điều phù hợp để áp dụng ngay tại địa phương. Một điều đáng quý là ông thường đem những điều tích lũy được truyền đạt, giúp đỡ những người có nhu cầu học hỏi; khá nhiều người trong thôn Đại Hội này vươn lên khá giả một phần cũng nhờ ông Nhân không giấu nghề mà vui vẻ chỉ bày.
XUÂN THỨC