Tây Phú phát triển cây sả
Những năm gần đây, người dân xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) tập trung phát triển cây sả. 10 năm trước, cả xã chỉ có chừng 7 ha sả, chủ yếu trên những vùng đất đồi gò kém hiệu quả, con số này lên đến mức 80 ha. Một số hộ trồng cả héc-ta sả.
Người dân thôn Phú Mỹ bó sả để bán cho thương lái.
Ông Trần Văn Minh, có gần 20 sào sả, chia sẻ: “Vùng đất đồi gò nhà tôi xấu tới mức không thể trồng mì, bỏ hoang thì uổng nên tôi trồng sả. Sả dễ trồng, chỉ cần làm cỏ, bón phân, tưới nước là thu hoạch nhiều lứa. Thế mà cây sả bất ngờ là thứ cây trồng chủ lực của kinh tế gia đình tôi”.
Nếu đất tốt, cây sả sẽ tập trung phát triển bộ lá, không nảy nhiều nhánh con, gốc sả ốm, không chắc. Tây Phú có diện tích đất đồi gò lớn, nên rất thích hợp để trồng sả. “Hơn nữa, có lẽ nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên cây sả Tây Phú có hàm lượng tinh dầu cao. Mùi thơm nồng hơn và vị cay hơn nên người tiêu dùng ưa chuộng loại sả trồng ở vùng này”, anh Nguyễn Văn Cường, một người buôn sả ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, tiết lộ.
Người trồng sả ở Tây Phú cho biết, từ khi bắt đầu trồng đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng, mỗi năm thu 2 đợt, nếu chăm sóc khéo năng suất bình quân đạt khoảng 1,2 tấn/đợt. Đầu tư chăm sóc tốt thì lưu gốc được 2 năm mới phải trồng lại, mức lãi khoảng 5 - 6 triệu đồng/sào.
Ông Trần Văn Minh, trưởng thôn Phú Mỹ, cho biết: Thôn Phú Mỹ có khoảng 40 ha sả, chiếm chừng một nửa diện tích sả của Tây Phú. Về lợi ích kinh tế, cây sả cho lợi nhuận cao hơn hết so với một số loại cây khác như mì, mía. Cây sả là loại cây ngắn ngày nhưng cho thu nhập kéo dài, giúp nông dân trang trải sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Nhiều hộ thu nhập từ khá đến giàu nhờ có diện tích đất trồng sả lớn, có điều kiện đầu tư, thâm canh tốt. Sả Tây Phú có chất lượng cao, nếu ngành chức năng hỗ trợ để khai thác vào hướng sản xuất tinh dầu, làm hương liệu, hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn so với làm rau gia vị.
ÁNH NGUYÊN