An cư cho người dân núi Gành
Ngày 4.3, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương bố trí tái định cư khẩn cấp cho 36 hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Gành, thôn Ðức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Ước ao có được chỗ ở an toàn, thuận tiện của người dân mà đa phần có hoàn cảnh nghèo khó nơi đây, sắp thành hiện thực.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, nơi ở mới cho 36 hộ/167 nhân khẩu đang phập phồng âu lo sống trên sườn và dưới chân núi Gành là tại khu A và B thuộc Khu tái định cư Đức Phổ 1. Khu dân cư này nằm bên tuyến đường bê tông liên thôn phía Nam xã Cát Minh, và trong tương lai tuyến đường sẽ được mở rộng từ 8 m hiện nay lên 18 m.
Khu tái định cư cho 36 hộ dân núi Gành nằm dọc tuyến đường bê tông liên thôn này và đang được giải phóng mặt bằng.
Theo ông Phạm Xuân Bình, trưởng thôn Đức Phổ 1, khu tái định cư cách nhà của các hộ đang ở chưa đến 1 km, có nhiều điểm thuận tiện như cách trường tiểu học khoảng 200 m, cách trường cấp III, chợ trung tâm xã và cơ sở khám chữa bệnh khoảng 300 m. Mỗi hộ được bố trí 1 lô đất khoảng 200 m2.
Nhiều năm sống chênh vênh trên sườn núi, đất - nhà không giấy tờ, đi lại khó khăn (chỉ có thể đi bộ), hiểm nguy chực chờ bởi nguy cơ sạt lở núi, nay sẽ được chuyển xuống vùng đồng bằng trung tâm, nên hầu hết người dân ở núi Gành đều phấn khởi. Một trong những hộ ký đầu tiên vào biên bản cam kết di dời - chị Nguyễn Thị Liên, tâm sự: Hơn 20 năm sống trong nơm nớp lo sợ, mỗi mùa mưa bão đến, 3 mẹ con chị lại phải đùm túm đi lánh nạn nhà bà con. “An cư mới lạc nghiệp, dẫu còn nghèo khổ mà có chỗ che nắng che mưa thuận tiện, an toàn vẫn là quan trọng nhất. Vậy nên khi chính quyền địa phương phổ biến về chủ trương di dời, một số hộ còn băn khoăn, gia đình tôi không trông mong gì hơn mà đăng ký ngay”, chị Liên cho biết.
Trong khu vực này, nhiều hộ khác như bà Võ Thị Ba, ông Phạm Đình Thành, Phạm Văn Tuấn, Phạm Văn Minh, Huỳnh Công Dũng… cũng đồng thuận chủ trương, mong sớm về nơi ở mới.
Thật ra, chuyện di dời dân núi Gành đến nơi ở an toàn từng triển khai vài lần song không được người dân đồng thuận. Vì khi ấy địa phương chưa có quy hoạch khu tái định cư phòng tránh thiên tai, việc giải quyết mang tính cấp bách, tạm thời, nên người dân chưa mặn mà. Mặt khác, vì nhà nằm sát tuyến tỉnh lộ 633, đã được xây dựng khá kiên cố, nên người dân ở đây còn lưỡng lự. Vì vậy, suốt nhiều năm, mùa mưa bão đến, mấy chục hộ dân nơi đây lại rơi vào vòng lẩn quẩn: Di dời, lánh nạn rồi lại tiếp tục sống trong vùng nguy hiểm.
Với quyết tâm sớm nhất có thể xóa nỗi lo thường trực cho 36 hộ dân sống ở khu vực núi Gành, ngay khi có văn bản đồng ý chủ trương, trong lúc cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, địa phương vẫn cố gắng triển khai. Kế hoạch di dời, tái định cư được thông báo đến từng hộ, kết hợp với tuyên truyền, vận động.
Ông Phạm Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: Đến nay, đa số các hộ đã đồng ý, địa phương sẽ kiên trì vận động số ít còn lại để họ hiểu thông suốt về chủ trương này, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách về hỗ trợ di dời, tái định cư. “Là khu vực có mức độ di dời khẩn cấp, bà con hãy đặt tính mạng lên trên hết, đồng thuận, cùng chính quyền hoàn thành việc dời đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa bão tới”, ông Phạm Minh Bình nhắn nhủ.
SAO LY