Phát triển du lịch ở Hoài Ân: Từ tiềm năng đến khả năng
Huyện Hoài Ân là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Tiềm năng này không chỉ ở những danh thắng tự nhiên, di tích lịch sử, với định hướng phát triển kinh tế gắn với nội dung du lịch những năm gần đây, Hoài Ân đang biến tiềm năng thành khả năng có thể thực hiện trong tương lai gần.
Di tích lịch sử Đền thờ Tăng Bạt Hổ.
Từ tiềm năng…
Hoài Ân có nhiều danh thắng có thể khai thác vào du lịch, như: Thác Đá Yàng (xã Ân Hảo), thác Đổ Nghĩa Điền (xã Ân Nghĩa), thác Trà Kơi (xã Bok Tới), thác Hóc Đèn (xã Ân Mỹ), thác Nước Lương (xã Đak Mang). Huyện cũng là nơi sở hữu nhiều di tích đặc biệt có ý nghĩa với người Bình Định cũng như đồng bào cả nước. Đến với Văn chỉ Hoài Ân, chúng ta nghiêng mình bên bia đá ghi khắc danh thơm của cụ Hồ Văn Nghĩa - ở thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông - một trong những người đầu tiên mở ra thế hệ khoa cử của Bình Định cùng nhiều trí thức, sĩ phu yêu nước khác. Về Hoài Ân ta còn có cơ hội đến thăm khu Di tích lịch sử cấp quốc gia, chiêm bái trước linh vị của Tăng Bạt Hổ - chí sĩ yêu nước thời Cần Vương chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Đất Hoài Ân từng là hậu cứ cách mạng an toàn trong cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, mà ngày nay hàng loạt di tích đã được dựng lên ghi dấu nhắc nhở đến muôn đời sau, như: Khu di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức, Khu căn cứ Khu ủy Khu 5 trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Khu di tích lịch sử Núi Chéo, nơi gắn bó mật thiết với sự kiện 1.000 ngày giữ đất của quân và dân Hoài Ân...
Thắng cảnh thác Đổ Nghĩa Điền ở xã Ân Nghĩa.
Hoài Ân có khá nhiều làng nghề truyền thống như: Làng ươm tơ dệt lụa Ân Thường, Phú Khương, Kim Sơn; làng nong Đức Long, làng nón lá Vĩnh Đức... Và trong mấy chục năm qua, trong sự nghiệp xây dựng quê hương, nhiều công trình dân sinh đã mọc lên, như: Hồ Vạn Hội, hồ Thạch Khê... Đây là những công trình thủy lợi nhưng hoàn toàn có thể xây dựng thành khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch sinh thái trong nay mai.
…đến đánh thức khả năng
Hơn 10 năm qua, với định hướng phát triển kinh tế gắn với nội dung du lịch, Hoài Ân xây dựng nhiều trang trại, gia trại, hình thành các thương hiệu lớn như: Chè Gò Loi, bưởi Hoài Ân… Mặc dù đến nay, giá trị kinh tế của các sản phẩm này chưa cao, nhưng đã mở ra triển vọng không nhỏ.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, một mặt huyện Hoài Ân sớm ký hợp đồng với Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đặt hàng thực hiện quy hoạch và xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả giá trị cao; mặt khác rất nhiều lần lãnh đạo huyện đến trực tiếp các trang trại, nhà vườn khuyến khích người dân trồng thêm nhiều vườn dừa xiêm, quýt đường, chôm chôm… Và từ cuối năm 2016, Hoài Ân đã triển khai mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP với 2 loại cây chủ lực là bưởi da xanh và bơ sáp, cùng với đó nhiều cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện xuống cơ sở tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực trồng cây ăn quả. Huyện cũng chấp thuận để một số DN trồng cây ăn quả với các loại dưa, mít Thái, bưởi…
Nông dân xã Ân Tường Tây phát triển cây bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Ông Võ Đông Sơn, một nông dân ở thôn Thanh Tú, thị trấn Tăng Bạt Hổ, khẳng định: Tôi trồng bưởi da xanh đã nhiều năm và đủ sức khẳng định cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với chân đất địa phương. 40 gốc bưởi của gia đình tôi cho trái đều, to, múi mọng nước, ngọt. Đặc biệt những ngày sum suê trái vườn bưởi rất đẹp, nếu có những vườn bưởi rộng rãi liền kề nhau trong thôn tôi nghĩ hoàn toàn có thể mời gọi mọi người về đây tham quan, du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, chia sẻ: Năm 2019, từ kinh phí 1,5 tỉ đồng hỗ trợ theo Chương trình nông thôn, miền núi (Bộ KH&CN), chúng tôi xây dựng và phát triển mô hình trồng dừa xiêm, bưởi da xanh theo hướng VietGAP trên khoảng 40 ha tại các xã: Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Đức, Ân Tín, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ. Trước đó, từ năm 2017 huyện đã hỗ trợ nông dân hơn 1,5 tỉ đồng về các khoản: Giống, hệ thống nước tưới, phân bón để phát triển cây ăn trái. Đến nay Hoài Ân có hơn 1.300 ha diện tích cây ăn trái (bưởi, bơ sáp, mít…), chưa kể gần 1.600 ha dừa. Điều đáng nói là những cây ăn trái này đã thành vườn khá tập trung chứ không phải phân tán, rải rác. Lợi ích trực tiếp từ những vườn dừa, bưởi đã được khẳng định. Nhiều người đã về Hoài Ân tham quan nhà vườn, tìm hiểu chè Gò Loi và họ rất thích thú khi chụp ảnh lưu niệm bên những cây dừa lùn trĩu quả, những vườn bưởi sum suê trái. Đó là khởi đầu tốt để huyện Hoài Ân đầu tư phát triển du lịch kết hợp văn hóa - lịch sử - sinh thái nhà vườn.
VÕ CHÍ HÀ