Thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá: Ðáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá
Ông Phan Trọng Hổ
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác đăng kiểm, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá của tỉnh, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Ðề án thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá trên cơ sở tổ chức lại bộ phận làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công về đăng kiểm tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá của Chi cục Thủy sản. Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ đã chia sẻ với Báo Bình Ðịnh quanh vấn đề này.
● Công tác đăng kiểm tàu cá tại tỉnh ta trong thời gian qua được triển khai như thế nào và vì sao phải thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá như Sở đã tham mưu tỉnh, thưa ông?
- Tỉnh ta hiện có 5.989 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên đăng ký khai thác thủy sản (KTTS); trong đó có 4.409 tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên thuộc diện đăng kiểm - đội tàu cá của tỉnh ta thuộc nhóm lớn nhất nước; Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã thực hiện tốt công tác đăng kiểm tàu cá được phân công. Dù vậy, để thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo KTTS phát triển bền vững, hiệu quả vẫn cần có nhiều điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế đời sống luôn biến đổi không ngừng.
● Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về Đề án này?
- Chúng tôi đã xây dựng dự thảo Đề án thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá và gửi các sở, ngành liên quan để đóng góp ý kiến hoàn chỉnh đề án. Hiện, chúng tôi đã gửi Đề án này cho Sở Nội vụ để bàn bạc, thống nhất phương thức hoạt động của Trung tâm đăng kiểm tàu cá khi được thành lập.
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Phù Cát xuất bến vươn khơi.
Những điểm then chốt của việc thành lập Trung tâm có thể tóm tắt như sau: Việc xây dựng Trung tâm đảm bảo tuyệt đối không tăng thêm biên chế, không hình thành tổ chức mới, không đề xuất Nhà nước hỗ trợ; Trung tâm hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Sở Nội vụ sẽ thẩm tra lại và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt Đề án. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện, lộ trình thực hiện cụ thể như sau: Đầu tiên chúng tôi thành lập Phòng đăng kiểm, trên cơ sở tổ chức lại bộ phận làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công về đăng kiểm tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Thủy sản. Tiếp đó chuyển từ Phòng đăng kiểm sang thành lập Trạm đăng kiểm trực thuộc Chi cục Thủy sản. Dự kiến khoảng 2 năm sau, khi vận hành ổn định sẽ tiến tới thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá, nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công, giảm đầu mối bên trong. Với cơ chế tự chủ tài chính, Trung tâm sẽ tách khỏi Chi cục Thủy sản để hoạt động độc lập và từng bước chuyển đổi sang mô hình DN để hoạt động, góp phần chuyên môn hóa công tác đăng kiểm tàu cá, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá của tỉnh.
● Như vậy, Trung tâm đăng kiểm tàu cá sau khi thành lập và hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho ngư dân và cơ quan quản lý nhà nước?
- Theo quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên phải đăng kiểm, có đầy đủ giấy tờ mới được phép hoạt động. Bởi vậy, việc có Trung tâm đăng kiểm tàu cá tại Bình Định hoạt động sẽ tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân khi thực hiện thủ tục đăng kiểm tàu cá và cơ quan quản lý nhà nước về nghề cá.
Không những chúng ta đăng kiểm tàu cá tại Bình Định mà còn thực hiện đăng kiểm ở các thời điểm, ngay tại vị trí tàu neo đậu. Trong tỉnh thì Trung tâm đăng kiểm sẽ thực hiện đăng kiểm tại tất cả các địa phương ven biển. Khi ngư dân có yêu cầu, tổ đăng kiểm lưu động sẽ đến tận nơi tàu cá Bình Định đang neo đậu ở ngoài tỉnh để thực hiện đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận. Cùng với đó, khi phát triển đủ các điều kiện cần thiết, đủ uy tín, Trung tâm sẽ thực hiện đăng kiểm tàu cá của các tỉnh khác theo luật định.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
(Thực hiện)