Sản xuất vụ hè thu trong điều kiện bất lợi: Linh hoạt thích ứng
Phải thích ứng với điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới là điều đã được dự báo từ sớm. Nhờ người dân đã khá thuần thục với các giải pháp ứng phó tạo điều kiện để ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương thêm linh hoạt trong điều hành kế hoạch sản xuất để sản xuất đạt kết quả tốt nhất.
Nông dân huyện Hoài Nhơn sản xuất lúa Hè Thu ở những vùng chủ động được nước tưới.
Để hạn chế thiệt hại do nắng hạn, vụ Hè Thu năm nay tỉnh ta sẽ bỏ trống không sản xuất 5.165 ha tại các huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh vì không có nước tưới và đưa vào sản xuất 37.256 ha lúa (lúa vụ Hè 9.708 ha và 27.548 ha lúa vụ Thu), 11.199 ha cây trồng cạn đảm bảo được nước tưới. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương tư vấn, hướng dẫn nông dân chuyển đổi hơn 4.350 ha đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn, chuyển 1.459 ha diện tích đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ.
Vụ Hè Thu năm nay, nông dân xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ chuyển toàn bộ 30 ha đất sản xuất lúa thiếu nước tưới tại cánh đồng Vạn An sang trồng các loại cây trồng cạn. Ông Trần Văn Thắng, ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, cho hay: “Tôi đã chuyển hết 8 sào đất lúa sang trồng đậu phụng, khổ qua và bắp, chủ động đóng giếng lấy nước ngầm để phục vụ sản xuất. Với việc sản xuất nhiều loại cây trồng cạn, tôi tin hiệu quả hơn gieo sạ lúa”. Tương tự, ông Trần Thanh Đấu, cũng ở thôn Vạn An, chia sẻ: “Năm trước do thiếu nhiều đợt nước, 4 sào lúa của tôi phải cắt cho bò ăn. Năm nay, tôi chuyển sang trồng đậu phụng”.
Sau khi cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, huyện Phù Mỹ đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn. Vụ sản xuất này, huyện Phù Mỹ đã khoanh vùng 4.030 ha canh tác cây lúa (giảm trên 1.500 ha so với vụ này năm trước) và 2.070 ha cây trồng cạn đảm bảo được nước tưới.
Hộ ông Trần Văn Thắng, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ đã chuyển 8 sào đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang trồng cây trồng cạn.
Để tránh thiệt hại, tại những diện tích trồng lúa không chủ động đủ nước tưới, UBND huyện chỉ đạo các địa phương vận động nông dân mở rộng thêm khoảng 1.700 ha cây trồng cạn. Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay: Đến nay, nông dân đã cơ bản gieo sạ xong lúa vụ Hè Thu và xuống giống 3.635 ha bắp, đậu phụng, mè. Ngay từ khi chưa thu hoạch vụ Đông Xuân chúng tôi đã gởi cảnh báo, hướng dẫn nông dân tiết kiệm nước, ở những vùng sản xuất cây trồng cạn nông dân đóng thêm nhiều giếng lấy nước ngầm để phục vụ sản xuất. Bà con cũng đã quen với việc thích ứng nên nhiều hộ đã chủ động trong sản xuất, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng.
Tương tự như Phù Mỹ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phòng chống hạn cũng đã được các huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát... triển khai xuống đến từng thôn xóm. Riêng tại huyện Hoài Nhơn, vụ Hè Thu này, địa phương quyết định không sản xuất gần 3.000 ha đất không có nước tưới và chỉ sản xuất 2.758 ha lúa cùng 223 ha cây hoa màu trên diện tích đất đảm bảo nước tưới suốt cả vụ. Ngoài ra, huyện còn khoanh vùng và vận động nông dân các xã: Hoài Phù, Hoài Sơn, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc chuyển 536 ha đất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai phương án tưới, lịch tưới cụ thể cho từng công trình thủy lợi và vùng sản xuất; kiểm tra 12 trạm bơm nước phục vụ sản xuất. Tổ thủy nông tại các xã thực hiện nhiệm vụ phân phối nước theo yêu cầu cấp 12 đợt nước/vụ, 8 ngày cấp nước 1 lần.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng hạn, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) để đáp ứng nhu cầu nước tốt nhất cho cây trồng, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
PHẠM TIẾN SỸ