Nạn ô nhiễm môi trường kéo dài ở thôn An Quang Tây: Cần có biện pháp xử lý hiệu quả
Phản ánh tới Báo Bình Định, người dân thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cho hay: Từ nhiều năm nay, tại địa phương này kéo dài tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, nước thải của các hộ đang làm nghề sản xuất, chế biến mực xà thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cư dân nơi đây. Người dân đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng quan tâm, xử lý. Thế nhưng tình trạng nêu trên lâu nay vẫn chưa được cải thiện.
Rác thải sinh hoạt theo con sóng biển dạt vào bờ, khu vực thôn An Quang Tây gây ô nhiễm trầm trọng.
Theo ông T.Đ, ở thôn An Quang Tây, mỗi ngày, các hộ dân ở đây thường xuyên sản xuất, chế biến từ 2 - 4 tấn mực xà. Nước thải, ruột, túi mực trong quá trình chế biến mực đổ trực tiếp xuống biển.Thêm nữa, nhiều hộ dân còn thu gom rác sinh hoạt đem đổ ra biển, khiến cho môi trường nơi đây ngày càng ô nhiễm trầm trọng. “Vẫn biết việc sản xuất, chế biến mực là nghề mưu sinh của bà con, nhưng mùi hôi thối từ nghề này làm những người dân sống xung quanh rất bức xúc. Vào các ngày nắng nóng cộng với gió thổi mạnh, mùi hôi thối bốc lên khiến trẻ em và người già không thở nổi”, ông Đ. bức xúc nói.
Còn bà L.T.H, có nhà ở bờ biển Đề Gi thuộc thôn An Quang Tây, bày tỏ: Bà con mong muốn cơ quan chức năng sớm quy hoạch nơi tập trung đưa các cơ sở chế biến hải sản ra khỏi khu dân cư. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng đổ rác bừa bãi, để người dân có được môi trường trong lành hơn.
Ông Nguyễn Hữu Dự, Trưởng thôn An Quang Tây, thừa nhận việc các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà nơi đây, chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư và ven đầm Đề Gi, chưa xây dựng được bể chứa nước thải và hệ thống xử lý, nên chất thải xả thẳng ra đầm. Hơn nữa, các hộ sau khi sơ chế mực được đem phơi ở những khu đất trống dọc bờ biển khiến mùi hôi phát tán ra môi trường. Ngoài ra, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nặng hơn. “Chúng tôi cũng đã đến từng nhà vận động nhưng họ vẫn lén lút mang rác đổ ra biển”, ông nói.
Mực xà sau khi sơ chế được đem phơi ở những khu đất trống dọc bờ biển Đề Gi bốc mùi hôi khó chịu.
Làm việc với phóng viên, ông Trần Bá Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Hiện tại thôn An Quang Tây có khoảng 40 hộ chuyên sản xuất, chế biến mực xà xả chất thải ra biển. Hàng năm, từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, mà đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch, là mùa sản xuất, chế biến mực xà rầm rộ. Do ngành nghề này không nằm trong danh mục cấm, vì vậy địa phương chỉ vận động, tuyên truyền các chủ cơ sở chế biến mực xà cần chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động; tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm, khuyến khích chuyển đổi ngành nghề.
Còn việc rác thải gây ô nhiễm khu vực bờ biển, theo ông Trần Bá Đăng, xã đã quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tập trung tại thôn Phú Lâm và hợp đồng với một DN triển khai thu gom rác trên địa bàn với tầng suất 2 lần/tuần cho mỗi thôn. Đa số các hộ dân chấp hành tốt, nhưng vẫn còn một số hộ không đóng tiền thu gom rác nên họ lén lút đem rác đổ ra biển. Một phần vì đường vào các khu dân cư nhỏ hẹp, xe chở rác không tới được. Để giải quyết tình trạng trên, đảm bảo vệ sinh môi trường, xã sẽ hợp đồng với Công ty TNHH Liên Minh (DN thu gom rác thải ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát) thực hiện thu gom, xử lý rác thải theo hướng chuyển rác trong khu dân cư đến khu vực tập trung, sau đó cho xe rác chở đến điểm tập kết xử lý.
VĂN LƯU