Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội cầu ngư:
Cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn
Lễ hội cầu ngư đã trở thành nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của làng chài ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, cần có sự quan tâm bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa các giá trị độc đáo của lễ hội cầu ngư.
Nét văn hóa truyền thống làng chài
Lễ hội cầu ngư là lễ hội phổ biến, thu hút đông đảo cư dân 6 xã ven biển của huyện Hoài Nhơn tham gia. Trong lễ hội cầu ngư, phần lễ được duy trì theo đúng bài bản dân gian, gồm: Lễ nghinh ông nhập điện, lễ tế, cúng chính thức, hát chèo bá trạo, khai tiên thứ lễ hầu ông. Tiếp đó là lễ tế tôn dương được thực hiện theo bài cúng, văn tế, bài chèo bả trạo được lưu truyền… Nghệ nhân Nguyễn Văn Diệt, ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải, tâm sự: “Nét độc đáo trong lễ hội cầu ngư tại Hoài Nhơn là chèo bả trạo, có trình diễn xếp chữ và nhảy rụp. Tại thôn chúng tôi vẫn duy trì, tiếp nối truyền thống các đoàn bả trạo biểu diễn trong lễ hội cầu ngư, đến nay đã 150 năm”.
Lễ hội cầu ngư cũng được tổ chức ở nhiều vạn chài tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Trong đó, lễ hội cầu ngư (ngày 10.4 âm lịch) ở thôn An Quang (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) thường được tổ chức với nhiều hoạt động kéo dài đến 10 ngày, thu hút hàng vạn người dân địa phương và ở xa về dự hội. Lễ hội cầu ngư ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) cũng được tổ chức sinh động với những nét đặc trưng riêng của từng địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP Quy Nhơn, nhận xét: “Lễ hội cầu ngư đã tạo điều kiện cho ngư dân duy trì mối quan hệ cộng đồng, đoàn kết gắn bó với nhau trong cuộc sống và lao động. Qua lễ hội, ngư dân có thêm niềm tin, sự phấn chấn về tinh thần để vượt qua những thử thách, khó khăn trên biển cả”.
Tại Hội thảo về di sản văn hóa phi vật thể tỉnh vừa được tổ chức, nhiều địa phương đều đề cao lễ hội cầu ngư là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương.
Cần được quan tâm nhiều hơn
Lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn tích cực nhờ nhiều yếu tố: gắn bó mật thiết với ngành nghề mưu sinh của ngư dân; các nguồn đóng góp từ cộng đồng ổn định; ban quản trị lăng vạn, người cao tuổi và những người tâm huyết, có năng lực tham gia tích cực vào việc bảo tồn; được sự quan tâm tham gia và say mê thưởng thức của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, trở ngại trong quá trình bảo tồn và phát huy lễ hội cầu ngư ở các địa phương.
“Những người có năng khiếu, tâm huyết với loại hình nghệ thuật trình diễn tại lễ hội cầu ngư đều đã cao tuổi và mất dần, trong khi thế hệ trẻ còn ít ý thức gìn giữ. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy lễ hội cầu ngư mới chỉ dừng lại ở từng địa bàn dân cư, chưa có sự đầu tư thích đáng ở cấp xã, huyện. Mối quan hệ giữa phong tục tập quán và mê tín, sự lợi dụng kinh tế trong các hoạt động quyên góp tổ chức lễ hội cầu ngư còn diễn ra”, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Hoài Nhơn, nhìn nhận.
Để bảo tồn và phát huy tốt hơn, các địa phương cần tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể lễ hội cầu ngư. Qua đó, nghiên cứu, đánh giá khoa học về thực trạng bảo tồn cũng như những đặc trưng, giá trị độc đáo riêng của lễ hội, để có định hướng phát huy- mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Ông Nguyễn Quốc Tân kiến nghị: “Lễ hội cầu ngư cần được quản lý bằng quy chế hoàn chỉnh, kết hợp ba mặt về tổ chức, chuyên môn, kinh tế với sự phân công, phân cấp rõ ràng. Đưa lễ hội vào chương trình quy hoạch phát triển văn hóa, tổ chức lễ hội một cách bài bản hơn. Tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội cầu ngư để khai thác du lịch gắn với quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống”.
Được biết, hai năm qua, lễ hội cầu ngư ở tỉnh Khánh Hòa, lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh, hát bả trạo ở tỉnh Quảng Nam đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại Bình Định, hiện mới chỉ có lễ hội cầu ngư ở làng Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) được Sở VH-TT&DL lập hồ sơ khoa học; lễ hội cầu ngư ở làng Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) được đưa vào kế hoạch lập hồ sơ trong thời gian đến.
Thiết nghĩ, từ sức sống của lễ hội cầu ngư ở các làng chài trong tỉnh, gắn với nhiều lăng ông có lịch sử mấy trăm năm hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong qua các thời vua, cùng nhiều đội bả trạo… ngành VH-TT&DL cần có sự tổng hợp, lập hồ sơ khoa học về những giá trị độc đáo của lễ hội cầu ngư Bình Định. Để tôn vinh tầm cao hơn, thông qua đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
HOÀI THU