Gây tai nạn rồi bỏ trốn: Phải xử lý nghiêm
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ tai nạn giao thông làm chết người nhưng người điều khiển phương tiện gây tai nạn lại bỏ trốn khỏi hiện trường. Ðây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức và quy tắc ứng xử trong văn hóa giao thông, cần phải xử lý nghiêm.
Các vụ việc thường xảy ra trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là ở những đoạn đường vắng, vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng. Lợi dụng điều kiện này, các tài xế gây tai nạn “nhanh chân” điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm.
Tại huyện Phù Cát, từ năm 2015 đến nay, có gần 10 vụ lái xe gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn. Đơn cử, lúc 23 giờ 30 phút ngày 11.4, người dân phát hiện có 2 người tử vong trên QL 1, đoạn qua khu phố An Khương, thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), bên cạnh là xe gắn máy. Sau khi nhận được tin báo, CA huyện Phù Cát xác định danh tính 2 nạn nhân là T.Đ.H (20 tuổi) và L.H.Đ (17 tuổi, cùng ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát).
Ô tô đầu kéo biển số 43C - 092.56 kéo rơ-moóc biển số 43R - 001.83 gây tai nạn, sau đó chạy vào TP Hồ Chí Minh được CA huyện Phù Cát đưa về để phục vụ điều tra.
Thượng tá Đặng Văn Long, Phó Trưởng CA huyện Phù Cát, cho biết: Kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy, 2 thanh niên có thể gặp tai nạn trong lúc tham gia giao thông; tuy nhiên, phương tiện liên quan đến tai nạn không có ở hiện trường. Trước tình hình này, lãnh đạo CA huyện chỉ đạo cán bộ điều tra áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp trích xuất camera giám sát giao thông, camera an ninh tại nhà dân nơi xảy ra tai nạn để tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi thu thập thông tin, CA huyện nhận diện phương tiện gây tai nạn chạy từ hướng Bắc vào Nam và va quẹt với xe gắn máy.
“Sau nhiều ngày truy tìm, xác minh, chúng tôi phát hiện ô tô đầu kéo biển số 43C - 092.56 kéo rơ-moóc biển số 43R - 001.83 do lái xe L.Q.T (39 tuổi, trú xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) điều khiển có dấu hiệu khả nghi nhất. Tuy nhiên, phương tiện này đã chạy vào TP Hồ Chí Minh. Do đó, lãnh đạo CA huyện đã cử cán bộ vào TP Hồ Chí Minh phối hợp với đơn vị chức năng đấu tranh với lái xe và bước đầu, lái xe đã thừa nhận hành vi”, thượng tá Long cho biết thêm.
Theo trung tá Ngô Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, CA huyện Phù Cát, việc lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn có thể vì bản năng sợ hậu quả, sợ những phiền toái tại hiện trường, phần vì nhận thức Luật Giao thông đường bộ kém. Hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng, thể hiện sự xuống cấp về lương tâm đạo đức của một số người điều khiển phương tiện cơ giới. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ cần phải điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm.
Luật sư Nguyễn Thế Vũ, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định cho rằng, tai nạn xảy ra, tuy chưa biết ai đúng, ai sai, nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường là hành vi thiếu đạo đức, không thể chấp nhận được. Vì vậy, các cơ sở đào tạo lái xe, cần tăng cường hơn nữa các bài học về đạo đức người lái xe cho học viên; chính quyền các địa phương và Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đạo đức người lái xe, khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện phải dừng lại, hợp tác với cơ quan chức năng, đưa nạn nhân đi cấp cứu…
Trung tá Nguyễn Trần Xuân Vương, Trưởng Trạm CSGT Tuy Phước, khẳng định: “Những trường hợp lái xe vi phạm quy định về ATGT đường bộ, gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu giúp người bị nạn đều bị xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng trên thực tế, các trường hợp gây TNGT sau đó bỏ trốn khỏi hiện trường đều đã bị xử lý theo pháp luật”.
Ðiều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây tai nạn dẫn đến hậu quả làm chết người, trong trường hợp “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” sẽ bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người gây TNGT rồi bỏ trốn sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, cụ thể: Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị xử phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng. Tương tự hành vi này, đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
TRỌNG LỢI