Về quê ăn giỗ
Tản văn của VŨ VĂN CƯƠNG
Hồi còn thơ dại, sáng hôm nào chuẩn bị đi học mà mẹ bảo: “Trưa nay học xong thì về thẳng nhà bà ăn giỗ, con nhé!” là tôi thích lắm. Trên đường tới trường, tôi như một con chim chích vui tươi nhảy nhót. Trong lớp, tôi học hành có vẻ tích cực trông thấy. Nhưng đến khoảng gần 11 giờ là tôi bắt đầu ngóng chờ tiếng trống và tưởng tượng mọi chuyện khi về tới nhà bà.
Giỗ nào do bà đứng chỉ huy bao giờ cũng đầy đủ và nhiều món ngon; anh em con chú con bác con cô con cậu gần xa về đủ cả. Chúng tôi tha hồ tay bắt mặt mừng, đua nhau tán chuyện ngoài vườn. Trong nhà, trên bàn trà, trên sập, trên giường là các cụ các ông các bà các bác uống nước, chân tình thăm hỏi nhau. Ngoài sân, ngồi ở trên cái chiếu trải đầu hè là các cô chú trẻ hơn. Bên giếng, phần đông là phụ nữ đang dọn dẹp và rửa bát. Tiếng nói tiếng cười, lúc to lúc nhỏ, khi ngược khi xuôi đều diễn ra theo từng nhóm sau bữa cơm. Nói chung là rất vui, rất đầm ấm.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Thời gian dần trôi, những lần ăn giỗ chuyển dần về ý nghĩa sâu xa hơn, tôi từ ngoài vườn cũng đã vào ngồi me mé ở bàn nước bên hiên. Hồi là sinh viên năm thứ nhất, trong một lần tranh thủ về thăm nhà, lại đúng vào dịp chuẩn bị đến ngày bà đứng ra giỗ cụ. Thành ra có dịp trò chuyện nhiều với bà. Lâu ngày gặp cháu, bà kể cho tôi nghe nhiều thứ, mà nhiều nhất là mối quan hệ của những người cùng dòng họ và còn người này ứng xử chưa được, người kia ăn ở chưa phải nhẽ, nhất là những dịp giỗ, Tết. Bác tôi thấy thế thường cười đùa: “Họ hàng hang hốc, nội ngoại dại khôn, nhà nào chả có người thế này người thế nọ, bà cứ kể cho cháu nó nghe làm gì nhiều”. Bà vờ nhăn mặt bảo: “Sống Tết, chết giỗ! Bảo là đi ăn giỗ nhưng cái cốt có phải là ăn đâu, là anh em bà con gặp mặt nhau chứ, là để tình thân thêm thắm thiết, xoa dịu hàn gắn những mâu thuẫn chứ… Trẻ giờ thường đi học xa, những chuyện như vậy ít để ý, bác phải thay tôi chỉ bảo chúng nhiều hơn, chớ có xem nhẹ!”. Nghe mẹ nói vậy, bác tôi cung kính cúi đầu: Thưa vâng, con nhớ rồi mẹ ạ!
Ta coi trọng ngày giỗ vì ngày ấy người sống sẽ cùng ôn lại những công lao của người mất. Để bày tỏ lòng biết ơn, người sống thường làm giỗ và thắp hương là vì thế... Nghe đến đấy, tự nhiên tôi thấy mình vừa bừng tỉnh ra một điều gì đó mà có lẽ khó có thể diễn tả hết cảm xúc trong giây phút ấy.
Lần ấy, chỉ sau mấy ngày về quê, nhưng khi trở lại thành phố, tôi bỗng nhiên chững chạc hẳn. Con đường quanh co lượn qua núi đồi trung với những cánh đồng lúa xanh như êm đềm hơn, tiếng quê như đầm ấm hơn. Cổng chính vào khu ký túc xá chúng tôi có tấm biển được đặt rất trang trọng ghi câu nói của Hồ Chủ tịch “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Tôi vẫn nhớ và hiểu giá trị ý nghĩa của câu nói này. Nhưng bỗng dưng hôm nay, tôi lại thấy thấm thía ở một khía cạnh khác. Nhân dân chính là những người như bà tôi, như bác tôi đấy thôi, có xa xôi gì đâu, cao xa khó hiểu đâu. Bà tôi thì thôi không thêm làm gì. Như bác tôi chẳng hạn, bác tôi rất vui tính, rất quan tâm đến tất cả các cháu nhưng ngay cả khi khôn lớn, đủ sức đi học xa nhà, trong suy nghĩ của tôi bác vẫn là một người đầy uy quyền, một lời nói ra là khiến cả nhà răm rắp nghe. Vậy mà khi mẹ mình có ý răn dạy là bác cúi đầu lắng nghe, ở vai con bác tôi được tiếng là người chí hiếu. Làm người chẳng phải hiếu là đức phải xem trọng đầu tiên sao! Hình ảnh bác tôi cúi đầu và cung kính đáp lời mẹ “thưa vâng” khiến tôi xúc động muốn noi theo ngay.
Lại nhớ một đoạn lời ca trong bài dâng văn “Chầu Tổ”: “Cây có gốc mới nở cành xanh lá, Nước có nguồn mới bể cả sông sâu. Người ta sinh trưởng bởi đâu, Có tổ tiên trước rồi sau có mình…”.