Tổ cộng đồng bảo vệ rừng phát huy hiệu quả
Việc triển khai các dự án, chương trình khôi phục, quản lý, phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức người dân cùng tích cực tham gia, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Ðiều này đã thể hiện rõ qua hiệu quả của nhiều tổ cộng đồng bảo vệ rừng.
Huyện Vĩnh Thạnh đã khoán hơn 21.835 ha rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư ở 8 xã, thị trấn của huyện quản lý, bảo vệ theo chính sách hỗ trợ của chương trình bảo vệ và phát triển rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chương trình 30a của Chính phủ.
Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn M2, xã Vĩnh Thịnh phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh tuần tra bảo vệ rừng.
Theo ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, các dự án trước đây triển khai trên địa bàn huyện theo hình thức giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình quản lý, song hiệu quả không cao. Từ năm 2019 đến nay, huyện chuyển sang khoán diện tích rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ, đã phát huy tính liên kết, thống nhất giữa các ngành, đoàn thể thôn, làng và hộ dân, mang lại hiệu quả tích cực.
Nhận khoán quản lý gần 970ha rừng tự nhiên từ tháng 9.2019 với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/năm, tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn M2, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) với 72 thành viên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn đã luân phiên trực chốt, phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng kiểm lâm huyện thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng.
Ông Giang Đình Chéo, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn M2, bộc bạch: “Hồi trước, cá nhân, hộ gia đình được giao rừng để quản lý thì họ chỉ nghĩ đến việc hưởng chính sách hỗ trợ mà bỏ lơ trách nhiệm phối hợp chung, mạnh ai nấy làm. Từ khi tổ cộng đồng bảo vệ rừng hoạt động, chúng tôi vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con, vừa phân công thành viên đi trực, tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ đó, tình trạng người dân khai thác rừng trái phép, đốt rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã giảm hẳn”.
Huyện Tây Sơn cũng đã thành lập 12 tổ cộng đồng bảo vệ rừng tại 5 xã (Tây Xuân, Tây Phú, Vĩnh An, Tây Giang, Bình Tân) và khoán hơn 13.600 ha rừng tự nhiên cho các tổ cộng đồng của các xã quản lý, bảo vệ. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn Nguyễn Hồng Kháng, các tổ cộng đồng bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Ông Phan Bảy, Bí thư Chi bộ thôn kiêm Tổ trưởng tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Nam Giang, xã Tây Giang, cho biết: “Tháng 12.2018, tổ cộng đồng bảo vệ rừng của thôn thành lập và nhận khoán bảo vệ 890,7 ha rừng tự nhiên. Chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt nên tình trạng xâm hại rừng trong thôn không còn xảy ra như trước. Nhiều người dân không còn khai thác rừng trái phép nữa, có người còn tham gia tổ cộng đồng để giữ rừng”.
Mô hình khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng cũng được huyện Hoài Nhơn triển khai trong thời gian qua, tạo nên những chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Nhơn, thông tin: “Đơn vị được giao quản lý 7.885 ha rừng, trong số này đã khoán 1.200 ha cho hộ dân bảo vệ. Đồng thời, thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức và khoán bảo vệ 1.708 ha rừng tự nhiên, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật; mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết, từ những chuyển biến tích cực trên, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư tại các địa phương khác trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các DN liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN