Ghi chép ở Vân Sơn
Tôi biết làng gốm Vân Sơn, ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn từ nhiều năm trước. Do công việc mấy năm gần đây tôi đi về làng gốm thường xuyên hơn. Bên cạnh không khí yên bình, nét giản dị, mộc mạc ở đây khiến tôi cảm thấy thanh thản. Nhưng lần nào, khi ra về lòng tôi vẫn cứ gờn gợn nỗi lo, liệu làng gốm sẽ còn đến bao lâu?
Bà Võ Thị Thiện trò chuyện với một sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tìm hiểu về gốm Vân Sơn.
“Làm sao không vui hả cô!”
Nói là làng gốm nhưng đến nay chỉ còn chừng mươi nhà giữ nghề. Những vị cao niên trong làng kể lại, trước kia làng gốm rất đông, giờ thì chẳng mấy người còn theo nghề, phần vì cực khổ, phần vì hàng làm ra bán rất chậm. Những gia đình còn làm gốm cũng dần thay đổi để thích ứng với thị trường. Bây giờ đến với làng gốm, hình ảnh người dân dùng chân đạp đất cho tơi đã hiếm, thay vào đó là máy móc. Máy đánh đất nhuyễn bấn, dẻo nhẹo. Nhờ thế từng sản phẩm từ đôi tay của người thợ chuốt trên bàn xoay mượt mà, bóng mịn hơn. Nhưng chỉ với sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn thì chưa đủ.
Tôi may mắn đến làng gốm đúng lúc bà Võ Thị Lợi (76 tuổi), nghệ nhân lớn tuổi nhất làng đang chuốt gốm. Ngỏ ý nói chuyện, bà Nguyễn Thị Đào (58 tuổi), làm thợ đứng đang luôn chân đẩy bàn xoay, tay chia đất, nhanh nhảu, nhiệt tình kể như một niềm tự hào: Ở đây bà Lợi là thợ ngồi lớn tuổi nhất, tay nghề dẻo nhất. Không mẫu gốm nào bà không làm được.
Bà Lợi thủng thẳng: “Tôi học nghề thợ ngồi từ bà nội tôi - khi đó tôi 12 tuổi - rồi làm một mạch từ đó tới giờ. Ngần ấy năm gắn bó với đất, mẫu mã nào chỉ nhìn qua là tôi đã nghĩ ngay ra sẽ vuốt nó lên, nặn nó ra như thế nào. Thợ gốm, càng làm nhiều mẫu khác nhau, càng chóng giỏi nghề”.
Có lẽ nhờ linh hoạt, nhanh nhạy, uyển chuyển theo biến động thị trường, thị hiếu người dùng nên một số cơ sở sản xuất gốm ở Vân Sơn vẫn đỏ lửa thường xuyên. Ông Cù Văn Bình, chủ một cơ sở gốm ở Vân Sơn, chia sẻ: “Ngoài những mặt hàng gia dụng như lâu nay, bây giờ ai đặt gì chúng tôi làm nấy. Chỉ cần có mẫu và đơn hàng đủ số lượng để làm là tôi nhận”.
Gần đây, người làng gốm rất vui khi đón nhiều đoàn học sinh, du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bà Võ Thị Thiện, chủ một lò gốm kể: “Chúng tôi chuẩn bị dụng cụ, mời thợ giao lưu và hướng dẫn để khách có những trải nghiệm thú vị. Sản phẩm làm được mọi người có thể mang về. Thật lòng mà nói, đón các cháu học sinh, chúng tôi không nghĩ đến lợi lộc gì. Nhưng tôi rất thích ngắm mấy đứa nhỏ vui, tôi như được tiếp thêm sinh khí mới để giữ nghề. Chính từ mấy đứa nó mà tôi làm thêm đồ chơi cho con nít. Là những mẫu đồ gia dụng thu nhỏ lại, vài ba nghìn đồng 1 món. Nhưng lại khiến cả cha mẹ các cháu và thầy cô hứng thú. Gần đây, một số nơi đặt làm số lượng lớn, nhiều cô giáo trong vùng cũng mua về trang trí lớp học, dạy học sinh nhận biết. Hỏi làm sao không vui hả cô!”
Bà Võ Thị Lợi đang chuốt gốm.
Cần nỗ lực nhiều hơn
Giữa tháng 4 này, tôi về Vân Sơn. So với hồi đầu năm, chỉ mấy tháng thôi mà làng gốm có nhiều sự thay đổi, mẫu mã và chất lượng sản phẩm dường như phong phú, sinh động hơn. Cảm giác mới mẻ đó thổi vào tôi một niềm vui nhỏ, làng gốm Vân Sơn cũng có thể chuyển mình như nhiều làng gốm khác - Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh), Thanh Hà (tỉnh Quảng Nam) chảng hạn. Họ cũng đối diện với nhiều khó khăn, vật vã như Vân Sơn bây giờ và nay đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường.
Chủ một cơ sở kinh doanh đồ gốm ở TP Quy Nhơn (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Có khá nhiều người thích sự thô mộc của gốm đất nung kiểu Vân Sơn. Hiện tại sản phẩm chúng tôi đặt làm ở Vân Sơn bán khá tốt. Nhưng công bằng mà nói, cùng một giá thì sản phẩm của Vân Sơn thua nơi khác về chất lượng, sự sắc xảo. Nhưng nói như vậy không có nghĩa mình không có ngõ cạnh tranh. Tôi rất muốn ủng hộ sản phẩm của bà con quê hương nên sắp tới tôi sẽ bàn bạc lại với cơ sở gốm cả về mẫu mã hình thức đến chuyện kết hợp. Bạn có thể hình dung gốm kết hợp tre, mây chẳng hạn…”.
Tương tự, chị Phạm Hiền, chủ cửa hàng Kiều Handmade (TP Quy Nhơn) chia sẻ, cửa hàng muốn tìm sản phẩm lưu niệm của các làng nghề như gốm và các sản phẩm lưu niệm từ dừa, tre… nhưng chưa tìm được vì các cơ sở, nghệ nhân ngại thay đổi về mẫu mã, chất lượng, ý tưởng…
Với nhiều điểm đến, An Nhơn là nơi thu hút đông du khách. Đây chính là ưu thế vượt trội mà không phải làng nghề thủ công nào cũng có. Vân Sơn hoàn toàn có thể thành một điểm trên chuỗi trải nghiệm Đất Vua thú vị nếu chịu làm mới bản thân để làm giàu trải nghiệm và cảm xúc cho du khách. Thay đổi nào cũng khó khăn, dù có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng điều cốt lõi phải là quyết tâm của các cơ sở và nghệ nhân. Như việc tạo ra những sản phẩm gốm nhiều năm qua, sự sáng tạo từ đôi bàn tay của những người thợ, nghệ nhân là điều quan trọng để làng gốm tiếp tục đỏ lửa và phát triển.
THẢO KHUY