Phù Cát sản xuất trong điều kiện thiếu nước tưới
Đến nay, tổng dung tích của 22 hồ chứa do huyện Phù Cát quản lý đều đạt thấp, chỉ còn 11,91 triệu m3 (57% so với thiết kế). Trước tình hình trên, huyện Phù Cát đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm; chuyển một số diện tích có khả năng thiếu nước tưới sang trồng cây trồng cạn và tăng cường công tác quản lý nguồn nước.
Nông dân Cát Tân cày đất chuẩn bị xuống giống vụ Thu.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Vụ Hè Thu năm nay, toàn huyện chỉ sản xuất 5.707 ha lúa, giảm 463 ha so với kế hoạch ban đầu; bỏ không sản xuất 380 ha ở những vùng không chủ động được nước tưới. Đồng thời chuyển 668 ha đất lúa ở những vùng chân cao thiếu nước sang sản xuất các loại cây trồng cạn, nâng tổng diện tích cây trồng cạn cả vụ lên 2.576 ha. Đến nay, nông dân các địa phương đã hoàn thành gieo sạ lúa cùng các loại cây trồng cạn vụ Hè và gần 700 ha lúa vụ Thu ở những chân ruộng cao.
Tại xã Cát Hanh, ông Nguyễn Tẫn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có 3 hồ chứa nước là hồ Hóc Chợ, hồ Bờ Sề và hồ Hóc Cau; lượng nước tại đó chỉ còn khoảng 40% dung tích thiết kế. Do vậy, xã chỉ sản xuất 102 ha lúa vụ Hè, chuyển sang sản xuất vụ Thu hơn
500 ha lượng nước tưới từ hồ Hội Sơn và chuyển 75 ha ruộng chân cao sang sản xuất các loại cây trồng cạn, nâng tổng diện tích cây trồng cạn trong toàn xã lên 134 ha; vận động nhân dân bỏ trống, không sản xuất 58 ha ở những vùng không chủ động được nước tưới để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán.
“Ngành Nông nghiệp huyện tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tưới khoa học, tiết kiệm. Nông dân Phù Cát có khá nhiều kinh nghiệm ứng phó với hạn hán nên việc vận động khá thuận lợi. Huyện cũng rà soát và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các đội thủy nông cơ sở để quản lý, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, đảm bảo tưới đến cuối vụ”. - Ông Nguyễn Văn Lê, cho biết thêm.
TRƯỜNG GIANG