KỶ NIỆM 45 NĂM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30.4.1975 - 30.4.2020)
“Chiến tranh nhân dân” - nhân tố quyết định thắng lợi
Lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam in đậm những mốc son chói lọi của các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước. Trong các cuộc chiến tranh ấy, kẻ thù thường là những đội quân lành nghề, mạnh hơn hẳn chúng ta cả về tiềm lực quốc gia lẫn thực lực quân sự trực tiếp tham chiến, nhưng cuối cùng chúng đều phải chịu thất bại trước thế trận “chiến tranh nhân dân”.
Những thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam nhỏ bé trước những tên “khổng lồ Gôliat”, chung quy lại đều xuất phát từ việc các nhà lãnh đạo kháng chiến (từ Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... cho đến Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp) đã phát huy được sức mạnh của toàn dân trong chiến tranh vệ quốc, trở thành một nghệ thuật chiến tranh mang đậm bản sắc Việt Nam. Và đỉnh điểm của nghệ thuật quân sự Việt Nam được đúc kết lại ở nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” - yếu tố quyết định làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất nước nhà, thu non sông về một mối.
Sức mạnh từ sự gắn bó keo sơn
So sánh giữa các cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược qua các triều đại phong kiến Việt Nam (tạm gọi là chiến tranh toàn dân) và “chiến tranh nhân dân” trong thời đại Hồ Chí Minh có thể thấy chiến tranh nhân dân là một bước nhảy vọt về chất trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, yếu tố làm nên sự cố kết một lòng, một ý chí giữa Đảng lãnh đạo và sự nhiệt tình yêu nước của nhân dân, để đập tan sự phản kháng của bất cứ thế lực nào, dù mạnh đến đâu.
Xe tăng 980 của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273, Mặt trận Tây Nguyên bắn sập và húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy trong trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 11.3.1975. Ảnh tư liệu
Ở đây giữa “chiến tranh toàn dân” và “chiến tranh nhân dân” có cả sự tương đồng lẫn sự khác biệt. Sự tương đồng chính là huy động được toàn dân tham gia, dựa trên nền tảng nhân dân, được nhân dân đóng góp, ủng hộ, tạo thuận lợi cho cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ, giải phóng đất nước; lợi ích chung của dân tộc được giành lại và gìn giữ khi tìm thấy chiến thắng.
Cái khác biệt dẫn đến sự nhảy vọt về chất của “chiến tranh nhân dân” là ở chỗ: nếu như “chiến tranh toàn dân” chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh “dĩ dân” (dựa vào dân), còn khía cạnh “vi dân” (vì dân) chỉ nằm trong giới hạn mà lợi ích của dân có sự nhất trí với việc củng cố quyền lực và lợi ích của quý tộc phong kiến trong thoát khỏi họa ngoại xâm và do vậy, là vi dân không toàn diện, không triệt để. Vượt lên trên trình độ đó, “chiến tranh nhân dân” trong thời đại mới là sự hòa quyện hữu cơ giữa các khía cạnh “của dân”, “do dân” và “vì dân”, bởi giai cấp lãnh đạo là giai cấp công nhân và lực lượng lãnh đạo - Đảng Cộng sản Việt Nam - bao gồm những người ưu tú, tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân lao động và cách mạng, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân.
Điều đó làm cho lợi ích giữa nhân dân và lợi ích của giai cấp, đảng lãnh đạo là hòa quyện với nhau cả trước, trong và sau cuộc chiến (lợi ích giữa nhân dân và giai cấp phong kiến lãnh đạo trong “chiến tranh toàn dân” chỉ đồng thuận ở giới hạn trong cuộc chiến). Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được phỏng vấn trên Đài truyền hình PBS nổi tiếng của Mỹ về chiến tranh nhân dân của Việt Nam đã phát biểu: “Chiến tranh nhân dân nói ngắn gọn đó là cuộc chiến vì dân, do dân. Ở đây vì dân là vì mục tiêu chiến tranh là mục tiêu của nhân dân, như là độc lập, thống nhất đất nước, và hạnh phúc sau này cho mọi người… Còn do dân nghĩa là thường dân, không chỉ là quân đội mà bao gồm tất cả người dân”.
Chiến tranh không ai muốn có, nhưng một khi nó đã xảy ra thì việc ứng xử nó như thế nào, giải quyết nó ra sao đều dựa trên căn cứ lợi ích, trước hết là lợi ích của những giai cấp và nhà nước tiến hành chiến tranh và xét đến cùng, là lợi ích chung của quốc gia dân tộc, của nhân dân khi tham gia cuộc chiến.
Qua phân tích về bản chất của “chiến tranh nhân dân” trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có thể khẳng định, yếu tố mà cả người Pháp và người Mỹ không thể hiểu nổi - là bằng sức mạnh nào, một dân tộc nhỏ bé, nhược tiểu như Việt Nam lại được lãnh đạo bằng một chính Đảng non trẻ có thể thắng được những đội quân viễn chinh hùng mạnh được trang bị, được hậu thuẫn bởi những sức mạnh vật chất to lớn - nằm ở chữ lợi ích. Nhưng lợi ích ở đây không phải là những lợi ích cá nhân riêng lẻ, đầy toan tính mà là sự đồng thuận lợi ích giữa nhân dân với giai cấp và những người lãnh đạo cuộc chiến cả trước, trong và đặc biệt là sau khi kết thúc chiến tranh: chiến thắng đó có đem lại cái gì cho nhân dân, sự tự do, hạnh phúc, ấm no hay là một sự bóc lột mới.
Nhân tố bản chất làm nên nghệ thuật “chiến tranh nhân dân”, lý giải cho sự hy sinh, sự đóng góp hoàn toàn tự nguyện của nhân dân từ việc dỡ nhà mình làm đường cho xe đi, nuôi giấu cán bộ, những bà mẹ đóng góp những người con thân yêu cho tiền tuyến, đến sự chiến đấu dũng cảm trên chiến trường, chịu đựng những đòn roi tra tấn khốc liệt của kẻ thù khi sa cơ... từ đó tạo nên sự thống nhất tuyệt đối, sự đồng thuận lợi ích giữa Đảng lãnh đạo và nhiệt tình yêu nước của nhân dân xuất phát từ 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, xuất phát từ chính con đường cứu nước mà Bác Hồ và Đảng ta lựa chọn “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” đã tạo nên niềm tin mãnh liệt của nhân dân “đấu tranh này sẽ thực sự là trận cuối cùng” như lời bài hát Quốc tế ca, sau cuộc chiến thắng lợi họ sẽ thực sự làm chủ vận mệnh của mình, sẽ tự do, hạnh phúc, ấm no.
Thứ hai, xuất phát từ chính sự tiền phong, gương mẫu, phẩm chất đạo đức trong sáng của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Họ thật sự là những “công bộc”, những “đầy tớ” của nhân dân. Và Đảng thực sự không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
Nhờ những nguyên nhân bản chất tạo nên nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” đó, Đảng ta và các nhà lãnh đạo đã tìm thấy sức mạnh của chính mình trong sức mạnh của nhân dân, trong sức mạnh của cả nước, trong niềm tin đối với nhân dân. Và nhân dân cả nước vững vàng vượt qua mọi thử thách bởi vì đã tin yêu và gắn bó sâu sắc với sự lãnh đạo của Đảng. Sự gắn bó keo sơn, thống nhất giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng là cội nguồn của sức mạnh để dân tộc Việt Nam có thể đứng vững trước bộ máy quân sự và tiềm lực kinh tế khổng lồ của đế quốc Mỹ, để có thể đánh thắng 4 kế hoạch chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới của 5 đời tổng thống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lợi ích của dân là trên hết
Chiến tranh đã qua đi, toàn Đảng, toàn dân đang chung tay, gắng sức xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, việc phát huy bản chất của nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời bình vẫn có một ý nghĩa cực kỳ to lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cách mạng giải phóng dân tộc nhằm làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập mới chỉ giải phóng cho nhân dân ta khỏi thân phận nô lệ. Nhưng nước độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không để làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi dân được ăn no, mặc đủ. Nước độc lập, nhân dân ta còn phải được giải phóng triệt để về mặt xã hội, đói nghèo, ngu dốt...”.
Do vậy, để thật sự giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền hòa bình giành được một cách vững chắc, thì các chủ trương, chính sách được đề ra hiện nay nhất thiết phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, thể hiện lợi ích của dân và lợi ích đó phải được đặt lên trên hết, đồng thời tạo thuận lợi để huy động cao nhất các tầng lớp nhân dân cùng tổ chức thực hiện.
Việc hiện thực hóa ý chí của nhân dân, chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân, phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân và đặc biệt là làm Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự là “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân, quét sạch “chủ nghĩa cá nhân”, “lợi ích nhóm”... là những yếu tố căn bản nhất để phát triển thế trận lòng dân, tạo khả năng cao nhất để huy động tiềm lực to lớn của nhân dân, đảm bảo cho sự thành công của công cuộc đổi mới, cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và giữ vững nền hòa bình, độc lập của dân tộc.
Câu nói “nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” luôn luôn đúng trong mọi giai đoạn lịch sử, trong cả thời chiến lẫn thời bình.
NGUYỄN THÀNH VINH
(Trường Chính trị tỉnh)