Truyền thông Đức ca ngợi phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam
Ngày 2.5, báo Jungewelt (Thế giới trẻ) của Đức đăng bài nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó nêu bật tinh thần hòa bình và độc lập dân tộc đã dẫn tới thành công của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.
Chiếc xe tăng số hiệu 390 (giữa) thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 - chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975 do nữ phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Francoise Demulder chụp. (Ảnh: Francoise Demulder/TTXVN phát)
Theo phóng viên tại Đức, bài viết đăng trên trang 7 báo Thế giới trẻ cho biết Việt Nam tiến hành lễ kỷ niệm chủ yếu theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Cùng với một số triển lãm trưng bày các tài liệu về chiến tranh, Việt Nam cũng giới thiệu bộ phim tài liệu 22 tập phản ánh toàn diện cuộc đấu tranh giành độc lập, bắt đầu từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước cho đến tháng 4.1975 (phim "Con đường đã chọn").
Trong những ngày này, nhiều thành phố ở Việt Nam trang trí cờ hoa và ápphích khổ lớn mừng ngày thống nhất đất nước.
Bài báo viết rõ, vào ngày 30.4.1975, xe tăng của quân giải phóng Việt Nam đã tiến vào Dinh Độc lập, chế độ bù nhìn của Mỹ tuyên bố đầu hàng và quân đội Mỹ cuối cùng đã phải trốn chạy bằng trực thăng để tới các tàu chiến neo đậu ngoài khơi. Một cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm đã kết thúc.
Bài báo nhấn mạnh, quân xâm lược Mỹ vốn tuyên bố muốn đưa đất nước Đông Nam Á trở lại thời kỳ đồ đá đã bị đánh bại.
Được sự ủng hộ của tinh thần đoàn kết trên toàn thế giới, phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã cho thấy rằng lịch sử có thể được tạo lập và định hình theo tinh thần hòa bình và độc lập dân tộc.
Theo bài viết, sau năm 1975, Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng bị phá hủy cùng nhiều hậu quả khác do chiến tranh để lại. Các nước Xã hội chủ nghĩa, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Đức, đã hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước cũng như tham gia Hội đồng Tương trợ kinh tế (CMEA), trong khi phương Tây cấm vận Việt Nam cho đến những năm 1990.
Tuy nhiên, Việt Nam đã trải qua bước phát triển to lớn trong những năm gần đây. Theo đó, Việt Nam đã tự chế tạo được ôtô, trong khi người Việt trẻ được đào tạo tốt làm việc trong các công ty riêng phát triển phần cứng và phần mềm cho ngành công nghệ thông tin, hoặc làm việc trong ngành may mặc và giày dép hay sản xuất điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
Bài báo cũng đề cập cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cho biết Việt Nam đang cẩn trọng dỡ bỏ các hạn chế sau khi khống chế thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Không có trường hợp nào tử vong ở Việt Nam, trong khi số người nhiễm bệnh chỉ dưới 500 ca.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)