FPA Bình Ðịnh & vai trò, trách nhiệm của tổ chức ngành nghề
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) có 115 hội viên là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ, cung cấp vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị cho ngành chế biến gỗ. Thời gian qua, FPA Bình Định đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc chia sẻ, hỗ trợ hội viên gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhìn nhận: FPA Bình Định rất nỗ lực trong việc tìm đường tháo gỡ khó khăn xuyên mùa dịch Covid-19 cho các hội viên. Thông qua kênh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản ở địa phương, các hội viên thấy được chia sẻ, đồng hành. Đây cũng là lúc các tổ chức ngành nghề thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đã đề ra khi thành lập.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, ngay khi có thông tin triển khai hỗ trợ theo Thông tư số 01/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, FPA Bình Định đã chủ động kết nối với ngân hàng, cung cấp thông tin liên quan đến những khó khăn trong hoạt động của DN hội viên. Nhờ đó, ngân hàng đã nắm bắt đầy đủ thông tin, có những giải pháp kịp thời hỗ trợ DN.
Ngày 28.4 vừa qua, FPA Bình Định đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cùng các hiệp hội, tổ chức liên quan tổ chức Hội thảo trực tuyến “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá: Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu dịch”, có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, hội viên; qua đó, có sự tư vấn hữu ích cho DN trong tình hình hiện nay.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, chia sẻ: “Mỗi DN phải luôn nỗ lực tìm ra lối đi riêng vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện nay là thời điểm quan trọng để ngành gỗ tập trung vào kế hoạch phục hồi, nhận diện những tín hiệu của thị trường để xoay sở, linh hoạt đưa DN vào vùng an toàn. Các hiệp hội, hội viên cần xem lại trong khả năng của mình, tính đến những kế hoạch phù hợp. Tại Hội thảo trực tuyến, FPA Bình Định ghi nhận thông tin liên quan việc ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường cung ứng nguyên liệu; đề xuất những giải pháp nhằm tiếp cận chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước. Quan trọng hơn nữa là Hiệp hội và các DN thành viên trao đổi, tiếp cận, nắm bắt được những giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ngành gỗ; nhận diện những tín hiệu của thị trường toàn cầu để có thay đổi phù hợp trong thời gian tới”.
QUANG BẢO