Phòng bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em
Viêm mũi họng cấp là hiện tượng lỗ mũi và họng bị viêm nhiễm vi rút. Bệnh thường gặp ở trẻ em, chứng này nhẹ, dễ khỏi trong vòng 8 - 10 ngày nhưng dễ lây sang những người xung quanh trong gia đình, lớp học. Đối với trẻ sơ sinh, người già, chứng bệnh này có thể chuyển sang những chứng nặng hơn như viêm tai, viêm xoang, viêm họng, sưng họng tới mức nghẹt thở, viêm phổi. Có hàng trăm loại vi rút có thể gây ra chứng viêm đường mũi họng mà chưa có biện pháp diệt trừ.
Thời gian ủ bệnh viêm mũi họng là 2 - 6 ngày, sau đó trẻ bị sổ mũi và đau họng. Biểu hiện chủ yếu của thể bệnh này là sốt nhẹ hoặc không có sốt, trẻ hay quấy khóc, khó bú, khó ngủ, thường thở bằng miệng do tắc đường thở. Trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường, đôi khi co rút lồng ngực.
Biện pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ làm thông mũi họng bằng cách nhỏ các dung dịch sát khuẩn như nước muối sinh lý rồi hút sạch dịch mũi, làm sạch đường hô hấp trên. Ngoài ra còn có thể dùng thuốc co mạch chống phù nề niêm mạc mũi họng. Nên chú ý thời gian dùng thuốc co mạch không quá 3 - 5 ngày. Nếu trẻ sốt trên 38,50C thì cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Để phòng tránh viêm mũi họng, cần giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, khi trời nóng không nên để quạt thốc vào người trẻ hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ thấp, tránh để trẻ gặp nóng, lạnh đột ngột, đồng thời vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ có thói quen xấu là cho tay vào miệng, ngoáy mũi, vì cũng dễ dẫn đến viêm mũi họng.
BS CKII Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai mũi họng (BVĐK tỉnh) lưu ý: “Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng các thuốc co mạch thông thường như Etodrink. Không nên dùng ngay các kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh khi có dấu hiệu biến chứng, còn thuốc hạ nhiệt chỉ dùng khi có sốt cao kéo dài và có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ có biểu hiện viêm mũi họng nặng, cần đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)