Cụ già 88 tuổi thuộc 3.254 câu Kiều
Ngày xưa, hình ảnh những người lớn tuổi ngâm nga truyện Kiều của Nguyễn Du để ru con, cháu không lạ nơi thôn dã. Nhưng nay chuyện này đã hiếm, chuyện cụ ông 88 tuổi, còn nhớ rành rọt đến… 3.254 câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du, và còn truyền được niềm yêu mến thơ kiều vào lớp trẻ như cụ Phạm Trung Tiên - ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ - thì lại là chuyện “ở đời dễ có mấy tay”.
Xuất thân trong một gia đình tri thức thời xưa, cha cụ Tiên là ông Phạm Hiệp rất mê thơ văn, nổi tiếng cả xã Mỹ Lợi về viết chữ Hán đẹp. Những câu kiều được gieo vào lòng cậu bé Tiên thật tự nhiên từ thuở nằm nôi. Để rồi, Phạm Trung Tiên hiểu thật nhiều, cảm thật sâu và “chết mê chết mệt” từng câu lục bát trong Truyện Kiều.
88 tuổi, tóc bạc, răng rụng nhưng bất cứ lúc nào cụ Tiên cũng có thể đọc vanh vách toàn bộ truyện Kiều. Nhiều người tò mò, hỏi đâm ngang một vài câu, cụ đều có thể nối tiếp liền mạch.
Cụ Tiên chia sẻ: “Tôi mê Truyện Kiều vì mộ cái tài của đại thi hào Nguyễn Du, vì mê lời hay, ý thơ đẹp. Giọng văn dễ nhớ, dễ đọc, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người quá! Tôi mê Kiều, và còn ngâm nga Kiều cho tới chết mới thôi”.
Thời trẻ, những đêm trăng sáng, nhiều gái trai trong làng tụ tập nhà cụ Tiên nghe ngâm Kiều mà không biết chán. Lớn lên một chút, thanh niên trong làng tập kết ra Bắc, cụ ở nhà bị địch tình nghi bắt nhốt tù ở Đắc Lắc. Trong tù, giọng ngâm thơ Kiều đã vang lên giúp bạn tù thấy đỡ đau đớn thể xác và vui vẻ tinh thần.
Giờ, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, thơ Kiều cứ trôi chảy trong huyết quản cụ Tiên. Theo thời gian cứ mãi ngân vang mỗi lúc, mọi nơi cụ đến, cụ đi qua. Có lần lên trạm xá xã khám bệnh, bà con biết tài cụ, nói thích nghe cụ ngâm để giết thời gian chờ đến lượt khám, cụ mê mẩn đến độ quên lượt khám của mình. Cụ còn ngâm ở ngoài đồng, bên bờ ruộng, giúp vui đám thanh niên cày ruộng dưới nắng trưa lưng ướt đẫm mồ hôi.
Truyện Kiều như ăn sâu vào trí nhớ, thấm vào từng làn da, thớ thịt của cụ. Không chỉ ngâm nga, cụ còn phân tích ý thơ, bày tỏ tâm sự cõi lòng mình qua từng câu chữ, từng tính cách nhân vật... khiến những người chưa biết nhiều về Truyện Kiều cũng phải lắng lòng nghe, đồng cảm cùng cô Kiều tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến đầy những bất công...
Cô Phạm Thị Khiêm, con gái cụ Tiên, chia sẻ: “Cha tôi mê văn chương hồi trẻ, nhất là Truyện Kiều. Nhiều hôm cha quên ăn, quên ngủ nằm ngâm Kiều, cả ngày không thấy mệt. Những lúc khó ở, tôi thấy ông ngâm kiều, càng ngâm càng thấy cha phấn chấn và khỏe lên trông thấy”.
Còn vợ ông, bà Đặng Thị Khuôn, năm nay tuổi 86, gần cả cuộc đời bên chồng, tiết lộ nguyên cớ bà phải lòng ông vì “lỡ” nghe ngâm kiều, đâm ghiền kiều, ghiền cả giọng người ngâm. Bà cười móm mém: “Nhờ vậy mà đến nay tôi còn được nghe ổng ngâm những câu kiều mượt mà, da diết”.
Nhiều người trong xã biết, nể trọng, kính trọng cụ Tiên vì nếp ăn ở mẫu mực, vì sự hiểu biết sâu rộng với văn hóa dân gian Việt, với tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. 88 tuổi, cụ Tiên vẫn sống vui tươi, lạc quan, không chỉ mê ngâm kiều, cụ còn nhiệt tình hát đối, hát kết, hát kể... làm vui cho mình, cho người, cho đời…
LÊ KIỂU